Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM (LĐ-TB-XH), chia sẻ thông tin trên tại cuộc họp báo định kỳ chiều 19-5.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Ông Lâm cho biết theo thống kê từ các quận, huyện, TP Thủ Đức, có gần 1,2 triệu người lao động trên địa bàn TP HCM có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng kinh phí dự kiến gần 2.100 tỉ đồng.
Cụ thể, hơn 987.000 người lao động đang làm việc sẽ được hỗ trợ, trong đó số lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất là 195.000 người, với tổng kinh phí 1.480 tỉ đồng (1,5 triệu đồng/ người) và hơn 205.000 người quay lại thị trường lao động cũng được hỗ trợ tổng số tiền hơn 616 tỉ đồng (3 triệu đồng/người).
Về cách chi hỗ trợ, sau khi được UBND TP HCM phê duyệt, số tiền này sẽ chuyển tài khoản của UBND 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, sau đó chuyển về tài khoản của các doanh nghiệp.
Theo ông Lâm, ngành bảo hiểm xã hội sẽ duyệt hồ sơ doanh nghiệp gửi đến trong 2 ngày làm việc. Hiện 1.439 doanh nghiệp đã gửi hồ sơ và khoảng 15.000 người đã được duyệt. "Số người được duyệt sẽ tăng lên hàng ngày. Thời gian chi trả không quá 2 ngày cho người lao động" - ông Lâm nói.
Đại diện Sở LĐ-TB-XH cũng kêu gọi chủ nhà trọ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo phòng chuyên môn ở các quận huyện kêu gọi chủ nhà trọ tạo điều kiện, xác nhận cho người lao động hưởng gói hỗ trợ.
Cũng theo ông Lâm, khi thủ tục đơn giản thì yêu cầu tiên quyết là người lao động, doanh nghiệp và chủ nhà trọ phải trung thực và chính xác để tránh trục lợi chính sách. Đồng thời, để đảm bảo đúng tiến độ, sở đã trình UBND TP HCM lập 3 đoàn kiểm tra về tiến độ chi trả, tính chính xác hồ sơ và sự kịp thời khi doanh nghiệp chi trả cho người lao động.
Cũng tại cuộc họp báo định kỳ, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết các cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; phải có địa chỉ, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự phải đáp ứng thực hành tốt theo quy định của từng loại hình, phạm vi kinh doanh; người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp.
Hiện nay, pháp luật chưa cho phép kinh doanh thuốc qua mạng thông qua hệ thống thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có hiện tượng rao bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội. Để đảm bảo an toàn và thực hiện chấn chỉnh, Sở Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm.
Về việc tăng học phí, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết nhiều năm nay TP không tăng học phí. Mặc dù phải thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ban hành ngày 27-8-2021) nhưng do đại dịch Covid-19, đến năm học này, TP vẫn giữ nguyên học phí theo mức cũ của nghị định 86.
Đến thời điểm này, nghị định 86 quy định về học phí của các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đã hết hiệu lực, sở bắt buộc phải đề xuất mức học phí mới theo nghị định 81. Việc đề xuất này là sự chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP HCM vào tháng 7-2022.
Trước việc dư luận bức xúc vì mức học phí mới tăng gấp 5 lần ở bậc THCS và gấp hơn 2 lần cho bậc THPT, ông Minh chia sẻ sở vẫn đang đề xuất với TP mức "sàn" học phí thấp nhất trong khung của nghị định 81. Bên cạnh đó, sở vẫn tiếp tục đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh THCS dù Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn.