TP HCM bao giờ chấm dứt tình trạng thiếu chỗ gửi xe?

13/04/2022 12:13

Nhiều năm qua, TP HCM chưa thể triển khai được dự án bãi đậu xe ngầm nào theo quy hoạch. Đây là bài toán cần sớm có lời giải, nhất là trong bối cảnh lượng phương tiện ngày càng tăng

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, TP HCM tiếp tục "nóng" chuyện thiếu chỗ giữ xe, tình trạng ôtô đậu tràn lan dưới lòng đường, bất chấp biển cấm.

Đơn cử, trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3, đoạn tiếp giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại), cứ khoảng 9 giờ 30 phút mỗi ngày, dù trong khung giờ cấm đậu nhưng nhiều ôtô vẫn dừng và nhấp nháy xi-nhan. Có xe đậu dưới lòng đường quá 10 phút mà chưa có dấu hiệu tài xế sẽ rời đi.

TP HCM bao giờ chấm dứt tình trạng thiếu chỗ gửi xe? - Ảnh 1.

Ôtô đậu 2 bên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP HCM), chiếm dụng gần hết lối đi. Ảnh: TUYẾT TRINH

Bãi đậu xe ngầm vẫn "nằm trên giấy"

Bà Nguyễn Ngọc Hạnh (ngụ quận 3) sau nhiều lần đi lại khó khăn đã nhận xét đường sá ở TP HCM thường nhỏ, một chiều nhưng có mật độ phương tiện lưu thông đông đúc nên chỉ cần 1-2 chiếc ôtô đậu giữa đường là đã gây ùn tắc. "Ôtô đậu ngay trên vỉa hè, đậu trước ngõ hẻm chắn lối đi của các hộ dân bên trong. Tôi muốn ra ngoài cũng bất tiện, ôtô chứ đâu phải xe máy mà dắt cái một là được. Nhiều khi có việc đi chợ, đi đón con mà ôtô cản đường cản lối không đi được" - bà Hạnh bức xúc.

Chung suy nghĩ, chị Đặng Ánh Hiền (quận Bình Thạnh) kể mới làm việc ở khu vực trung tâm thành phố được 2 tháng nhưng ngày nào xe cộ cũng ùn ứ nên đến nơi là người ướt đẫm. "Đường phố nhỏ nhưng 2 bên đường, ôtô đậu vô lối. Ôtô, xe máy chen chúc, nhích từng chút một. Nhiều xe muốn tiến thì phải lách qua chiếc đang đậu, lao lên vỉa hè, bất chấp nguy hiểm cho người đi bộ" - chị Hiền than vãn.

Theo tài xế Nguyễn Trọng Tuấn, vì thường xuyên chở "sếp" vào quận 1 nên việc tìm được chỗ đậu ôtô luôn là nỗi lo thường xuyên. "Chạy lòng vòng mà không thể tìm được chỗ đậu xe, nhiều lúc tôi đánh liều tấp vào ven lề đậu tạm, dù biết ảnh hưởng tới người đi đường… Nghe nói thành phố sẽ có nhiều bãi đậu xe ngầm nhưng chờ hoài không thấy. Dân tài xế chúng tôi cũng mong có chỗ đậu xe đàng hoàng nhưng cứ ngóng hoài mà không biết khi nào có" - ông Tuấn băn khoăn.

Theo quy hoạch, quận 1 có 4 bãi đậu xe ngầm tại Sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư. Những dự án này được quy hoạch vừa xây dựng bãi đậu xe ngầm vừa kết hợp dịch vụ - thương mại, công cộng nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm bãi đậu xe, giữ xe tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tới nay, có dự án bị thu hồi, số dự án còn lại vẫn trên giấy.

Trong số đó, lâu năm nhất là dự án bãi đậu xe ở Sân khấu Trống Đồng, được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện từ năm 2008. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 900 tỉ đồng, gồm 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, sức chứa hơn 700 ôtô và 400 xe máy, tổng diện tích hơn 5.300 m2.

Trong quá trình thực hiện, dự án gặp một số vướng mắc nên kéo dài. Đến năm 2019, thành phố đồng ý cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tiếp tục thực hiện dự án và yêu cầu nhà đầu tư cam kết khởi công năm 2020, hoàn thành cuối năm 2022 song tới nay, công trình vẫn chưa "nhúc nhích".

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, cho biết dự án đình trệ liên quan việc điều chỉnh quy hoạch và chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Công ty đã sẵn sàng phương án tài chính cũng như điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai.

Theo bà Quỳnh, nhà đầu tư đã 2 lần phải điều chỉnh quy hoạch, thiết kế do vướng các tuyến metro số 1 và số 2. Lần đầu là vướng ranh bảo vệ tuyến metro số 1, phải chuyển từ Lam Sơn sang Sân khấu Trống Đồng. Năm 2016, dự án xong phần thiết kế, chuẩn bị khởi công thì phải điều chỉnh do vướng ranh metro số 2. Trong quá trình điều chỉnh, dự án bị yêu cầu thay đổi chức năng tầng trên dự án, từ thương mại sang công cộng.

"Nếu thay đổi chức năng tầng trên thì khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư khó hơn, phải tính toán lại. Chưa kể hiện nay chưa có văn bản nào yêu cầu nhà đầu tư thay đổi chức năng tầng trên. Chúng tôi rất mong thành phố sớm phê duyệt thiết kế dự án đã trình để nhà đầu tư tiến hành khởi công" - bà Quỳnh bày tỏ.

TP HCM bao giờ chấm dứt tình trạng thiếu chỗ gửi xe? - Ảnh 2.

Theo quy chế quản lý kiến trúc TP HCM, đường Tôn Đức Thắng được ngầm hóa, 2 bãi xe ở 2 tầng hầm có sức chứa 300 ôtô. Ảnh: QUỐC ANH

Có bãi đậu xe ngầm mới bớt quá tải mặt đất

Ngoài dự án trên, 2 dự án bãi đậu xe ngầm ở sân vận động Hoa Lư và Công viên Tao Đàn cũng đình trệ nhiều năm. Hiện tại, cả 2 dự án bị đề xuất chấm dứt đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) và bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi để tìm nhà đầu tư.

Ngang nhiên chiếm lòng đường để đậu ôtô là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Mong cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng này” - ông Nguyễn Hoàng, nhà gần Công viên Tao Đàn, nói.

Riêng dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám do nhà đầu tư chậm thực hiện nên tháng 8-2019, UBND TP HCM chấm dứt hợp đồng và thu hồi dự án.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM giải thích nhiều nhà đầu tư cho rằng chi phí đầu tư bãi đậu xe ngầm rất lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm nên chưa mặn mà. Vị này cho biết quy hoạch các bãi đậu xe ngầm đã có trong quy hoạch chung của thành phố với diện tích 930 ha. Trong 4 dự án bãi đậu xe ngầm, chỉ có dự án tại Sân khấu Trống Đồng đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết để triển khai. Hiện nay, Sở GTVT phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát hoàn tất việc điều chỉnh này.

Theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, khi tổ chức quy hoạch không gian ngầm ở khu trung tâm hiện hữu (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm sắp tới, sẽ có cái nhìn tổng thể về phát triển không gian ngầm. Trong đó, bãi đậu xe ngầm sẽ được tính toán, cân nhắc để giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông đang quá tải trên mặt đất. Cuộc thi ý tưởng không gian ngầm đang được triển khai, các đơn vị tư vấn cũng sẽ đề xuất việc thêm hoặc bớt các bãi đậu xe ngầm.

"Chúng ta cần quy hoạch tổng thể về không gian ngầm để bổ sung cho không gian trên mặt đất, bổ sung không gian công cộng mà trên mặt đất không còn chỗ để làm như bổ sung lối đi, thoát hiểm, thoát nạn, bãi đậu xe cho phía trên" - ông Thảo nói.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo cho biết Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở GTVT đã phối hợp với nhau trong thời gian qua và cũng bàn đến phương án sử dụng dạ cầu làm bãi đậu xe. "Không chỉ về kiến trúc mà các điều kiện, tiêu chí về giao thông, xe ra vào khu vực như thế nào, các yếu tố kỹ thuật, đất đai… cũng cần được nghiên cứu kỹ" - ông Thảo nhìn nhận.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho hay quy chế quản lý kiến trúc thành phố mới ban hành đưa ra khái niệm hạ tầng đa chức năng. Trước đây, chức năng giao thông chỉ thuần túy giao thông, bây giờ sử dụng đa chức năng thì sẽ khai thác hiệu quả hơn giá trị công trình.

Theo đó, bên dưới dạ cầu có thể khai thác chức năng khác phục vụ đô thị mà không ảnh hưởng kết cấu, bảo đảm an toàn và những tiêu chí về đô thị. Đây là thời điểm phù hợp để xem xét sử dụng dạ cầu làm bãi giữ xe. Việc này cần phải có hướng dẫn, quy định cụ thể để góp phần giải quyết bài toán thiếu bãi đậu xe trên địa bàn TP HCM.

Bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng

Theo quy chế quản lý kiến trúc TP HCM, thành phố sẽ mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm.

Đường ngầm Tôn Đức Thắng được quy hoạch 2 làn xe mỗi hướng. Kết cấu ngầm đường Tôn Đức Thắng gồm tầng hầm 1 với bãi đậu xe công cộng và lối ra/vào, tầng 2 với bãi đậu xe công cộng và đường ngầm. Các lối ra/vào bãi xe ngầm sẽ có 2 làn xe riêng biệt và không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe ngầm có sức chứa 300 ôtô và nếu cần thiết, có thể tận dụng một phần cho xe 2 bánh.

Bạn đang đọc bài viết "TP HCM bao giờ chấm dứt tình trạng thiếu chỗ gửi xe?" tại chuyên mục TIN TỨC.