Tịnh thất Bồng Lai: 'Ai nói tu không được tập gym, ca hát là chưa biết tu'

29/11/2021 13:00

Vừa qua, những chia sẻ về phương pháp "tu tập" của nhóm người thuộc Tịnh thất Bồng Lai đã khiến dư luận xôn xao.

Cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa

Vừa qua, ông Nhị Nguyên, một "tu sĩ" tại Tịnh thất Bồng Lai (tên mới là Thiền am bên bờ vũ trụ) đã chia sẻ một số quan điểm về tu tập thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo ông Nguyên, việc "tu tập" là để hướng đến những cái tốt, cái đẹp, cái hay trong cuộc sống. 

"Tập gym ngoài rèn luyện thân thể, nó còn cho chúng tôi được tính kiên trì, nhẫn nại. Đây là một bộ môn rất khó tập, đòi hỏi phải có sự kiên trì để theo đuổi. Vào tập cầm cục tạ nặng quá thì chúng ta sẽ rất dễ nản. Có được một thân thể đẹp đâu phải là chuyện 1,2 ngày mà từ năm này qua tháng nọ. Chúng tôi nghĩ tu tập là phải làm sao cho mình tiến bộ lên, chứ không phải tu rồi là không biết gì hết", ông Nguyên nói. 

Tịnh thất Bồng Lai: Ai nói tu không được tập gym, ca hát là chưa biết tu - Ảnh 1.

"Tu sĩ" Nhất Nguyên

Trước đó, mạng xã hội cũng đã lan truyền những hình ảnh các "sư thầy" tại cơ sở này tham gia vào các cuộc thi thể hình, ca hát. Câu chuyện này đã khiến dư luận phân làm 2 luồng ý kiến, tranh cãi nảy lửa. 

Cụ thể, một số người cho rằng việc người tu hành mà đi tập gym là "lệch lạc, đi ngược lại với giáo lý nhà Phật". Đồng thời, quan điểm này đã được bảo vệ bởi các dẫn chứng như người xuất phải phải đảm bảo một số giới luật của nhà Phật. Trong đó, việc "huấn luyện" các "chú tiểu" tham gia cuộc thi tài năng, "sư thầy" bước vào các phòng tập thể hình... là điều không chấp nhận được.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng việc làm của ông Lê Tùng Vân cùng các "đồ đệ" là không sai. "Tu là tu tại tâm tôi, hình thức chẳng là gì. Miễn sao họ không ác độc, hại người là được. Sao mình không nhìn cái hay, cái đẹp của người ta để bắt chước. Tập để sống khỏe, sống đẹp cũng giúp đầu óc minh mẫn và tiến tới điều thiện, điều tốt", một tài khoản bình luận trên mạng xã hội.

"Tu làm sao cho mình giỏi hơn người đời"

Trước những luồng ý kiến này, PV đã liên hệ với ông Nhị Nguyên, "tu sĩ" phía Tịnh thất Bồng Lai. Ông Nguyên cho biết: "Tôi không muốn nói nhiều để người ta nghĩ rằng mình "thanh minh thanh nga". Tuy nhiên, tôi muốn lên tiếng để người ta hiểu đúng về "tu tập".

Mình tu làm sao phải giỏi hơn người đời, cho trí tuệ mình "hạng nhất". Đối với tôi, tu hành không phải gặp chuyện gì cũng "A di đà Phật" hiền lành cho qua chuyện. Việc tu tập là không để trí tuệ mình thua chúng sanh. 

Người ta nói rằng tu không được hát ca, tập thể hình. Tôi thấy quan điểm đó giống như "đi tu là mờ mịt", là đen tối, là không còn học hỏi, rèn luyện được gì cho tâm hồn mình nữa. Đối với tôi, họ không biết tu là gì". Cũng theo ông Nguyên, thời gian qua, các "sư thầy" tại Tịnh thất Bồng Lai cũng đã tham gia vào nhiều cuộc thi thể hình. 

Tịnh thất Bồng Lai: Ai nói tu không được tập gym, ca hát là chưa biết tu - Ảnh 2.

Hoàn Nguyên thường xuyên đến các phòng tập gym

Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng đã bày tỏ quan điểm: "Tịnh thất Bồng Lai, những người ở đó là giả mạo tu sĩ, không phải là Phật tử hay tu sĩ Phật giáo. Nói về giáo lý của người tu Phật với họ là thừa.

Tu tại gia là từ chỉ những người Phật tử có ý muốn học theo Đức Phật. Họ có cuộc sống bình thường, để tóc, mặc thường phục, ăn thức ăn ngoài đời, có vợ có chồng, có con. Những người này gọi là tu tại gia hay cư sĩ".

Qua đó, Thượng tọa cũng đã đưa ra quan điểm của người tu tại gia trong Phật giáo: "Người tu tại gia được quyền làm mọi thứ người ta muốn, miễn là hành động đó luật pháp không cấm. Luật Phật cũng có một số quy định với người tu tại gia, nhưng luật Phật không cấm người ta tập thể hình hay ca hát, kiếm tiền, hưởng lạc.

Còn có một nhóm khác, là những người xuất gia đúng theo chuẩn nhà Phật, có thọ giới và được thừa nhận, cấp chứng điệp của Giáo hội để làm tu sĩ, có chứng nhận của chính quyền là tu sĩ.

Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, vì lý do tuổi già, ở chùa không có người chăm sóc, cho nên họ xin phép về nhà để cho người nhà chăm sóc. Trường hợp đó là người xuất gia nhưng sống ở nhà. Họ vẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo, sinh hoạt y như khi ở chùa, vẫn là các tu sĩ hợp pháp, không phải là người tu tại gia".

Về cơ sở Tịnh Thất Bồng Lai, vừa qua, trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2021 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Trọng – Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ đã thông tin, Tịnh thất Bồng Lai không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của tín đồ Phật giáo.

Đồng thời, ông Trọng cũng khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai là vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.