Tiêu hủy con chó mắc bệnh dại cắn 6 người ở Hà Nội

28/06/2023 17:04

Đối với 6 người bị chó cắn đã được điều trị dự phòng như tiêm vắc-xin phòng dại, truyền huyết thanh kháng dại trên người.

Ngày 27/6, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội do ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn đã làm việc trực tiếp với Trung tâm y tế huyện Mê Linh và xã Mê Linh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội), ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng một con chó (chó của hộ gia đình nuôi) tại thôn Liễu Trì có biểu hiện cắn liên tiếp 6 người và cắn một số con chó khác, các đơn vị chức năng đã kịp thời xử lý theo hướng dẫn.

Cụ thể, UBND xã đã báo cáo, lấy mẫu con chó nghi bệnh dại gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả cho thấy con chó dương tính virus dại, lực lượng chức năng ở địa phương đã tổ chức tiêu huỷ xác con chó theo quy định.

Đến ngày 27/6, đã điều tra, tiêu hủy 18 con chó quanh khu vực con chó dại; tổ chức tiêm vắc-xin dại, tiêm vét cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch, mới nhập nuôi, mới lớn… theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y.

Sự kiện - Tiêu hủy con chó mắc bệnh dại cắn 6 người ở Hà Nội

Tiêu hủy con chó mắc bệnh dại đã cắn 6 người (Ảnh minh họa).

Đối với 6 người bị chó cắn đã được điều trị dự phòng như tiêm vắc-xin phòng dại, truyền huyết thanh kháng dại trên người; cán bộ y tế Trạm y tế xã Mê Linh hướng dẫn người dân theo dõi, giữ gìn sức khỏe...

Xã Mê linh đã phun khử trùng tiêu độc khoanh vùng tại ổ dịch và trong toàn bộ địa bàn thôn Liễu Trì theo quy định.

Tại buổi kiểm tra và làm việc với cơ quan chức năng của địa phương, Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đề nghị Trung tâm y tế huyện Mê Linh và Trạm y tế xã Mê Linh chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh dại; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân để người nuôi chó có trách nhiệm phòng bệnh, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Ông Tuấn nhấn mạnh, bệnh dại nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phải tiêm phòng 100% cho đàn chó, mèo theo khuyến cáo của ngành thú y; chú ý xích, nhốt khi nuôi và mang rọ mõm lúc ra đường.

Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương. Nếu bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời….