Chỉ còn khoảng chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Từ nay đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu chi trả tiền thưởng, lương tháng thứ 13 cho nhân viên, lao động trong công ty.
Tiền thưởng Tết hay còn gọi là lương tháng 13, nhưng Bộ Luật Lao động hiện hành không sử dụng thuật ngữ "lương tháng 13". Xét về tính chất "lương tháng 13" là khoản tiền thưởng mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Điều 103 Bộ Luật lao động quy định: "Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động;
Quy chế thưởng người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở".
Còn theo quy định tại Bộ Luật lao động 2019 thì không có quy định cụ thể nào về việc bắt buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thưởng Tết cho người lao động.
Thưởng Tết có phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và Khoản 2, điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong đó bao gồm các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, trừ 4 trường hợp:
- Tiền thưởng kèm theo danh hiệu được Nhà nước phong tặng.
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, thưởng Tết, lương tháng 13 là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, NLĐ chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn còn dương (giảm trừ cho bản thân 9 triệu đồng/tháng; giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mỗi người 3,6 triệu đồng/tháng, các loại giảm trừ khác, tiền bảo hiểm).
Cách tính thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết
Người sử dụng lao động thưởng Tết, lương tháng 13 vào tháng nào (tháng dương lịch) thì cộng khoản thưởng, lương tháng 13 vào lương của NLĐ nhận được trong tháng đó rồi tính thu nhập chịu thuế.
Trường hợp người lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên: Thuế TNCN = Thu nhập thuế x Thuế suất.
Trường hợp người lao động không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì tổ chức, cá nhân trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản thu nhập khác cho người lao động từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì khấu trừ tại nguồn 10% trước khi trả thu nhập.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư 25/2018/TT-BTC thì khoản tiền thưởng Tết cho cho người lao động nếu đã được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau đây thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động băn khoăn về việc tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca… Do đó, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ không làm căn cứ tính đóng BHXH.
Ngoài ra, theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, Tết 2021, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng tài sản hoặc các hình thức khác ngoài tiền như chuyến du lịch, vé tàu xe để về quê; hoặc các hiện vật có giá trị như đồ gia dụng, xe máy, ô tô, lương thực thực phẩm… nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.
Pháp luật và bạn đọc