Trong phòng trọ tối tăm khi chiều xuống ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM, anh Nguyễn Văn Hạn ngồi bó gối nói về sự mất mát không gì có thể bù đắp được của anh và 2 con nhỏ.
Với anh, từ ngày mẹ tụi nhỏ (chị Huỳnh Thị Gái, 50 tuổi) rời xa anh và con vì Covid-19, căn phòng trọ vốn chật hẹp bỗng chốc trống trải.
Câu hỏi đau xé tâm can
Giọng trầm buồn, anh Hạn nhớ lại con hẻm nhỏ nơi vợ chồng anh ở trọ vốn bình yên thì bỗng dậy sóng vì dịch bệnh kéo đến. Cả xóm bị phong tỏa, ngày 10-7, chị Gái được xét nghiệm tầm soát thì phát hiện mắc Covid-19. Chị được đưa đến Bệnh viện thu dung số 8 ở TP Thủ Ðức để cách ly, ít hôm sau 3 cha con anh Hạn cũng dương tính. Con gái đầu (em A.T, vừa bước vào lớp 11) được đưa sang Bệnh viện Hóc Môn điều trị, con gái út (bé Ng.Nh) và anh cũng được đưa đến Bệnh viện thu dung số 8.
Theo anh Hạn, điều trị hơn 1 tuần thì 3 cha con anh về nhà, chỉ có vợ anh ở lại. Họ liên hệ với nhau qua chiếc điện thoại cũ nên không nhìn thấy nhau. Quá nhớ con, ngày 19-7, chị Gái mượn được điện thoại có thể gọi video của bệnh nhân sát bên để gặp mặt các con. Các con anh mừng lắm vì lâu rồi mới gặp mẹ, chúng nói chuyện ríu rít với mẹ gần 20 phút, cứ động viên, kêu mẹ ráng ăn. Bữa đó, anh còn nghe mẹ tụi nhỏ than hôm nay bệnh viện cho ăn xôi mà khô quá nên ăn không nổi. Cứ tưởng vợ sắp khỏe rồi nhưng mấy hôm sau, gọi điện thoại liên tục mà vợ anh không nghe máy. Tiếng tít tít cứ ám ảnh. Sốt ruột, anh Hạn điện thoại cho cô bệnh nhân đã cho vợ mượn điện thoại thì được biết mẹ tụi nhỏ trở nặng, đưa đi nơi khác điều trị. Đi đâu thì không ai rõ… "Không ngờ cuộc điện thoại ngày 19-7 là lần cuối cùng các con tôi gặp mặt mẹ chúng" - anh Hạn nghẹn giọng.
Anh nói thương nhất là cô con gái nhỏ vừa bước vào lớp 4. "Ðến bây giờ, cứ đêm đến là hỏi mẹ, đòi ngủ chung với mẹ như trước đây rồi rấm rứt khóc. Cháu luôn miệng nói con muốn mẹ về với con. Nghe mà đứt từng đoạn ruột cô ơi…" - anh Hạn bỏ lửng câu chuyện, lấy tay kéo vạt áo lau nước mắt. Nối tiếp câu chuyện của cha, em T. nói có những đêm đang ngủ, bé Nh. nằm mớ vừa khóc vừa hét lớn gọi mẹ. "Những lúc như vậy, 3 cha con chỉ biết ôm nhau khóc, bởi an ủi thế nào em con cũng nhất quyết đòi mẹ" - T. chia sẻ.
T. nói em cũng không tin mẹ mất là sự thật và luôn lo sợ khi biết mình mất mẹ thì làm sao em của em không sợ hãi khi thiếu vắng hơi mẹ. Hỏi hai chị em ước gì cho năm học mới và sau này, cả T. và Nh. đều ước mẹ sớm quay về!
Cũng ở Hóc Môn, trong căn phòng trọ chưa đầy 20 m2 tại ấp Ðông Lân, xã Bà Ðiểm, chị Nguyễn Thị Bình nói bây giờ chị sợ nhất là mỗi lần cậu con trai Ng.B.M (9 tuổi, học lớp 4) bất ngờ đòi gặp cha. "Mỗi lần như vậy, dỗ kiểu nào con cũng không nín mà nhất quyết bắt mẹ gọi cha về…" - chị Bình mở đầu câu chuyện đau buồn của gia đình.
Chị kể cuối tháng 8, vợ chồng chị và con trai phát hiện mắc Covid-19. Chồng chị (anh Nguyễn Văn Yên, 45 tuổi) được đưa đi điều trị tại bệnh viện ở TP Thủ Ðức, 2 mẹ con cách ly tại nhà. "Mỗi ngày, mẹ con tôi đều gọi điện hỏi han tình hình sức khỏe của chồng nhưng sau ngày thứ 3 thì điện thoại không liên hệ được. Lúc này tôi linh tính có chuyện không lành. Vậy mà đó lại là sự thật khi ngày 2-9, tôi nhận được điện thoại của bác dâu cho biết bệnh viện thông báo anh Yên đã mất. Ảnh đi mà không kịp trăng trối. Ảnh đi khi bao dự tính cho tương lai con trẻ vẫn chưa thành…" - chị Bình nói trong nước mắt.
Ðang trải tấm đệm nằm co ro dưới nền nhà, M. chăm chú xem bộ phim heo Peppa mà trẻ nhỏ yêu thích. Ðến đoạn, heo Peppa được cha mẹ dẫn đi chơi, M. bất ngờ quay sang hỏi mẹ: "Sao lâu quá ba chưa về vậy mẹ?". Nghe con hỏi, chị Bình chỉ biết quay mặt sang chỗ khác, cố giấu những giọt nước mắt rồi nói qua quýt: "Từ từ ba sẽ về". Lúc này, bé M. bắt đầu rấm rứt khóc: Mẹ hứa kêu ba về hoài nhưng con đâu thấy. Ôm con vào lòng, chị Bình dỗ dành sẽ mua thật nhiều đồ chơi cho con. Ðang nằm trong lòng mẹ, cậu bé 9 tuổi vẫn không thôi khóc: Con không cần gì hết, con chỉ cần ba sớm về nhà với con thôi!
H.A.T vừa chỉ bài cho em gái, vừa khuyên nhủ em sớm chấp nhận nỗi đau mất mẹ để chuyên tâm học hành
Mong con sớm chấp nhận sự thật
Sau khi gửi tro cốt chồng vào chùa, tấm ảnh thờ được chị Bình mang lên gác để thắp nhang mỗi ngày, chị giấu con nên không cho bé lên gác chơi nữa. Ðể rồi sáng 21-9, chúng tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chị Bình. Chị cho hay sau nhiều ngày đắn đo, chị đã quyết định dẫn bé M. lên gác, chỉ vào tấm ảnh thờ để con biết từ nay ba sẽ không về với hai mẹ con. "Thằng bé vừa thắp nhang vừa khóc, vì nhớ ba nhưng vẫn không tin là ba sẽ không về nữa. Thuyết phục, giải thích hồi lâu con mới tạm tin" - chị kể.
Theo chị, không chỉ riêng con trai bé bỏng mà ngay cả bản thân chị, lúc mới nhận tin anh qua đời, chị không tin đó là sự thật bởi anh còn trẻ, còn nhiều hoài bão chưa thực hiện. "Hai vợ chồng đã trải qua quá nhiều cực khổ, sống cảnh rày đây mai đó. Ðể rồi 4 năm trước, khi con trai chuẩn bị vào lớp 1, vợ chồng tôi xác định an cư tại xã Bà Ðiểm với công việc buôn bán nhỏ lẻ ở chợ đầu mối Hóc Môn. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, phòng trọ lúc nào cũng rộn tiếng nói cười. Vậy mà…" - giọng chị Bình đứt quãng.
Lắng cơn xúc động, chị Bình cho hay trước khi dịch bùng phát, hai vợ chồng bàn nhau mở mang việc kinh doanh để có thêm điều kiện lo cho con ăn học. "Ước mơ của anh là con trai bé bỏng ít nhất phải tốt nghiệp đại học để có việc làm ổn định. Nhưng xem ra, với tình trạng hiện tại, mơ ước của anh không dễ thực hiện nếu không có phép mầu xảy đến…" - chị nói với giọng tiếc nuối. Chị cho hay mơ ước trước mắt của chị là con sớm chấp nhận sự thật mồ côi cha và chị sớm khỏe để đi làm lo cuộc sống cho hai mẹ con.
Trở lại với gia đình anh Hạn, căn nhà trọ nơi gia đình anh sinh sống hầu như vẫn lưu giữ tất cả đồ đạc của chị Gái. Từ góc tủ, cái bếp đến sào đồ đều còn những đồ dùng cá nhân của chị, chỉ có điều giờ đây chúng trở thành kỷ vật. Nhìn tấm ảnh cả nhà chụp chung ở một quán ăn, anh Hạn hồi tưởng về 25 năm trước, vợ chồng anh đến với nhau bằng một đám cưới đơn sơ. Cuộc sống vất vả, phải ở trọ nhưng gia đình đầm ấm. Ban đầu anh làm thợ hàn, sau chuyển qua đúc nhôm, làm thuê cho một cơ sở ở huyện Bình Chánh, còn chị ở nhà cơm nước, đưa đón 2 con đi học. Hơn 1 năm nay, khi dịch bệnh ập đến, cơ sở đúc nhôm nơi anh làm thường xuyên không có hợp đồng nên anh thất nghiệp. Chị nhận quần áo về nhà cắt chỉ, kiếm thêm chút tiền để lo cơm nước nhưng không được bao nhiêu.
Khó khăn chồng chất, vợ chồng anh nợ tiền nhà trọ và điện nước gần 2 năm nay nhưng may nhờ chủ nhà thương tình, vẫn cho ở và cho nợ đến khi nào có tiền thì trả từ từ. "Từ lúc mẹ mất, cha vừa làm cha vừa làm mẹ. Tuy cực khổ nhiều hơn nhưng ba luôn động viên tụi em ráng học thật giỏi, rồi ba sẽ có cách lo cho tụi em ăn học đến nơi đến chốn như những gì mẹ từng muốn" - cô bé T. chững chạc hẳn khi nói về cha, em cầu mong dịch bệnh sớm qua. Bé út nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ và mong cha luôn khỏe mạnh. "Riêng em, ngoài cố gắng thi vào ngành giáo viên mầm non của Trường Đại học sư phạm như di nguyện của mẹ, thì em sẽ cố gắng làm thêm phụ ba lo cho gia đình, lo cho bé út ăn học" - lời quả quyết của cô con gái T., khiến anh Hạn không thôi xúc động.
Hãy chắp cánh cho trẻ mồ côi
Ðể chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, biến ước mơ của trẻ thành hiện thực, Báo Người Lao Ðộng phát động chương trình "Tình thương cho em".
Vì tính cấp thiết của tình hình thực tế và vì ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động, Báo Người Lao Ðộng kính mong quý tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành với chương trình "Tình thương cho em". Khoản vận động đóng góp vui lòng gửi vào tài khoản: 117000004884 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM. Ðơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Ðộng. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tình thương cho em".
Hướng dẫn đóng góp chương trình qua 2 ví điện tử MoMo và ZaloPay:
(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Bao giờ cho đến... ngày xưa!