Tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra ngày 3-3 tại trụ sở Chính phủ ở Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 - Ảnh: Nhật Bắc
Về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định lại việc kiểm soát hiệu quả và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine, Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình này, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý về nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng. Kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm.
Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.
Sau khi nghe báo cáo một số nội dung về dịch Covi-19, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động, với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động cần đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết ùn tắc hàng hoá ở cửa khẩu... Cùng với đó, tập trung chuẩn bị thật tốt cho SEA Games 31.
Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu duy trì tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả". Các bộ ngành, địa phương cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Tham dự phiên họp của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, cán bộ và nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình, phấn khởi trước những hoạt động, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ chính trị.
Theo Phó Chủ tịch nước, việc chuyển hướng chiến lược trong công tác phòng, chống dịch cho thấy hiệu quả với tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao, giảm tăng nặng và tử vong, khiến nhân dân yên tâm. Tình hình thế giới phức tạp, nhưng quốc phòng-an ninh và đối ngoại được bảo đảm tốt.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ bám sát tình hình để có chính sách, giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài. Rrong đó, chú trọng việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chăm lo đời sống những người yếu thế, mở cửa trở lại trường học, quản lý thị trường thuốc và trang thiết bị phòng chống dịch