Theo Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án thành phần đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km. Điểm đầu cao tốc nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, Bình Thuận và điểm cuối kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại km43+125, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cùng với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây mở ra cơ hội lớn để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong khu vực và từng bước hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Để bảo đảm khai thác của hệ thống thu phí kín tự động không dừng, VEC ban hành bổ sung mức phí dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao với dự án Phan Thiết - Dầu Giây.
Cụ thể, các phương tiện sử dụng dịch vụ trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng theo quy định để bảo đảm hoàn vốn đầu tư dự án theo quyết định phê duyệt đầu tư dự án của Bộ Giao thông Vận tải.
Thời điểm áp dụng thu phí bổ sung khi đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc theo văn bản của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ khánh thành 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam vào sáng 30/4, gồm: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - quốc lộ 45. Dự kiến, điểm cầu chính buổi lễ khánh thành diễn ra tại đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Điểm cầu còn lại diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa, tức đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45.
Buổi lễ sẽ kết nối trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Thanh Hóa với điểm cầu chính tại tỉnh Bình Thuận.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, 3 dự án cao tốc trên được đồng loạt triển khai từ cuối năm 2020, ban đầu dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan nên phải gia hạn tiến độ thêm 6 tháng.
Các dự án cao tốc trên được triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ủy ban của Quốc hội, bộ ngành trung ương, địa phương… nên đã đủ điều kiện khánh thành theo quy định. Trong đó, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, thiết kế mỗi bên 3 làn xe với tốc độ cho phép chạy đối đa 120 km/h, tổng mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng.