Thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người dân mất hàng trăm triệu, công an bắt 50 đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo 500 tỷ đồng trên cả nước

06/03/2024 00:03

Tại Nghệ An, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt, xử lý nhiều vụ, nhiều đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội.

Thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người dân mất hàng trăm triệu, công an bắt 50 đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo 500 tỷ đồng trên cả nước- Ảnh 1.

Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An, là loại tội phạm “phi truyền thống” mà đối tượng phạm tội có trình độ, kỹ năng, kiến thức chuyên môn về công nghệ, tội phạm công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thời gian qua, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao.

Cuối năm 2023, chị P.T.P (53 tuổi, trú tại thành phố Vinh), nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng cán bộ công tác tại Bộ Thông tin truyền thông với nội dung thông báo số điện thoại và tài khoản của chị P. có liên quan đến các đối tượng xấu đang sử dụng để rửa tiền và hoạt động phạm tội. Vì lo sợ, chị P. đã nghe và làm theo hướng dẫn của các đối tượng tự xưng là cán bộ cơ quan tư pháp. Sau nhiều lần làm theo hướng dẫn của đối tượng, chị P. bị trừ số tiền trong tài khoản hàng trăm triệu đồng.

Cũng với hình thức nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng Công an yêu cầu "hợp tác điều tra" liên quan đến vụ án, tài khoản của một người đàn ông trú thị tại xã Thái Hòa và một người phụ nữ trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng bị “bốc hơi” gần 800 triệu đồng…

Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt, xử lý nhiều vụ, nhiều đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. 

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bắt 50 đối tượng là người Việt Nam cư trú tại nước ngoài sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Thực tế từ các chuyên án triệt xóa thời gian qua cho thấy, tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ với thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

heo đánh giá của cơ quan Công an, đấu tranh với tội phạm truyền thống đã khó. Đấu tranh với tội phạm “phi truyền thống”, tội phạm lợi dụng công nghệ cao còn khó khăn gấp nhiều lần, vì các đối tượng phạm tội loại này thường có kiến thức công nghệ thông tin, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng phạm tội công nghệ cao thường xây dựng các kịch bản rất rõ ràng, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, các đối tượng thường gọi điện giả danh cán bộ viễn thông, tòa án, Công an để thao túng tâm lý, cưỡng ép, lừa người dân. Đặc biệt khi chiếm được tài khoản, thông tin cá nhân, rồi từ đó nhanh chóng rút tiền của người dân.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát hình sự với vai trò chủ công đã phối hợp Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Phòng đã chú trọng nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ làm chủ được trang thiết bị, phần mềm chuyên dụng; thường xuyên trau dồi kiến thức, pháp luật, phát huy tính sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác công an. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là hành vi lừa đảo qua mạng.

Tỉnh Nghệ An đang đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Xác định rõ nhiệm vụ và trọng trách được giao trên lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm “phi truyền thống”, Công an tỉnh Nghệ An sẽ không ngừng nỗ lực, từng bước khắc phục khó khăn, chủ động, tích cực làm tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

.