Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cho biết, sau 18 tháng thi công, đến nay cầu đã hoàn thành, đảm bảo để thông xe, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Cầu có tổng mức đầu tư hơn 147 tỷ đồng, gồm 2 làn xe hỗn hợp được xây dựng với kết cấu dầm hộp thép. Điều đặc biệt của cầu vượt tại nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch là cầu có dạng chữ C đầu tiên tại Hà Nội.
Tiếp đó, khi việc mở rộng đường Tôn Thất Tùng và nút giao hiện hữu hoàn thành, thành phố còn cho chủ trương làm thêm một nhánh cầu vượt theo hướng Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch. Sau khi hoàn thiện, cầu vượt tại nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng có hình chữ Y.
Giám đốc Ban Giao thông cũng cho biết, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực chung, sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các Sở ban ngành, sau gần 2 năm triển khai thi công đến nay dự án đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngoài là công trình cầu vượt chữ C đầu tiên, cầu vượt tại nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch là cầu vượt thép thứ 13 xây dựng trên địa bàn Hà Nội, có nhiệm vụ giải quyết các nhu cầu cấp bách về đô thị trong đó có ùn tắc giao thông.
Với cầu vượt tại nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch sau khi thông xe sẽ giải quyết ùn tắc tại nút giao trên, từng bước hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch của thành phố.
Để phát huy hiệu quả toàn diện của dự án, ông Tuấn yêu cầu, sau khi cầu thông xe, Sở GTVT Hà Nội tiếp quản để duy tu duy trì hoạt động, tổ chức giao thông khoa học để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm ùn tắc. Sở Xây dựng tiếp nhận hạ tầng thoát nước, cây xanh, chiếu sáng để quản lý, duy tu, chăm sóc; quận Đống Đa tiếp nhận hệ thống vỉa hè để quản lý, đảm bảo sử dụng đúng mục đích là dành cho người đi bộ, chống lấn chiếm.
Cầu vượt cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch có chiều dài hơn 320 mét, rộng 9 mét (2 làn xe hỗn hợp/hai chiều). Cầu có kết cấu nhịp dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao dầm thép 1,2m.
Theo phương án phân luồng giao thông của liên ngành Sở GTVT – Công an Hà Nội, sau lễ thông xe, từ sáng 30/6, phương tiện ô tô con, xe máy lưu thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được lưu thông lên cầu vượt thép. Cấm các phương tiện: Xe thô sơ và người đi bộ; Xe ô tô tải, xe khách; Xe buýt, các loại xe máy kéo, xe máy thi công chuyên dùng, các loại phương tiện có chiều cao quá 3.5m lưu thông qua cầu vượt.
Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ không thuộc diện đi trên cầu vượt lưu thông qua trung tâm nút ở gầm cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch theo sự điều khiển và hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.
Tại khu vực nút giao Lương Đình Của - Phạm Ngọc Thạch, cơ quan chức năng cấm các phương tiện quay đầu trên đường Phạm Ngọc Thạch (theo hướng từ cầu vượt đến nút giao Lương Định Của). Cấm các phương tiện ô tô trên đường Phạm Ngọc Thạch (hướng từ Đào Duy Anh đi Chùa Bộc) rẽ trái vào phố Lương Định Của. Các phương tiện ô tô từ Phạm Ngọc Thạch rẽ trái vào Lương Định Của đi theo các hướng : Phạm Ngọc Thạch – Đào Duy Anh – Hoàng Tích Trí – Lương Định Của hoặc Phạm Ngọc Thạch – Đông Tác – Lương Định Của hoặc quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Phạm Ngọc Thạch (gầm cầu vượt) đi Lương Định Của.
Trên tuyến đường Hoàng Tích Trí, thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông ô tô 1 chiều trên tuyến đường Hoàng Tích Trí theo chiều và đoạn từ Đào Duy Anh đến Lương Định Của.