Thiếu hạ tầng giao thông, ĐBSCL vẫn là vùng trũng của cả nước

31/05/2022 20:19

(NLĐO)- Đại diện nhiều tỉnh, thành cho rằng để ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần Trung ương có cơ chế chính sách về vốn, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc...

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích hơn 40.000 km2, dân số chiếm khoảng 19 triệu người, là vùng đất trù phú nhưng đến nay vẫn là vùng trũng của cả nước. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hạ tầng giao thông.

Nhận định trên được TS Trần Du Lịch đưa ra tại Hội thảo "Xoá trắng cao tốc- Phát huy lợi thế Đồng bằng Sông Cửu Long" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 31-5.

Ngoài thiếu hạ tầng giao thông, TS Trần Du Lịch chỉ thêm 2 nguyên nhân tạo điểm nghẽn khiến ĐBSCL chưa thể phát triển như: Cơ cấu kinh tế thuần nông chậm chuyển dịch, thiếu nhân lực, thiếu các nhà máy chế biến nông sản.

"Muốn vực dậy ĐBSCL, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương cần phải tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cũng như thay đổi cơ cấu kinh tế. Trong đó, cần chú trọng các tuyến cao tốc trục ngang, trục dọc cũng như tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ"- TS Trần Du Lịch đề xuất.

Thiếu hạ tầng giao thông, ĐBSCL vẫn là vùng trũng của cả nước - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL vẫn chưa cao, đời sống người dân còn khó khăn, tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế. Một trong những lý do quan trọng dẫn tới tình trạng trên là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%.

Về định hướng phát triển hạ tầng cho khu vực này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180km/9.014 km của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Về nguồn vốn đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói do yếu tố địa chất nên suất đầu tư hạ tầng tại ĐBSCL rất cao, do đó khi thực hiện, ngoài vốn ngân sách cần có cơ chế kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. "Muốn vậy, cần phải tách dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) ra thành dự án riêng, sau đó kêu gọi nhà đầu tư, tương tự như tuyến Vành đai 3 đang triển khai"- ông Lâm nhìn nhận.

Thiếu hạ tầng giao thông, ĐBSCL vẫn là vùng trũng của cả nước - Ảnh 2.

Hội thảo nhận định muốn phát triển ĐBSCL cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông

Tại Hội thảo, đại diện các tỉnh, thành như TP Cần Thơ, Tiền Giang, Long An cũng cho rằng ĐBSCL có nhiều lợi thế về nông sản nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng và lợi thế khiến đời sống người dân còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng chậm phát triển, nhất là hạ tầng giao thông. Để ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần Trung ương có cơ chế chính sách về vốn, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc trục dọc, trục ngang, đồng bộ gồm các tuyến: Cao tốc đường sắt TP HCM – Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau...