'Thành phố iPhone' mất vị thế

07/09/2024 10:35

Sự cố cuối năm 2022 giáng đòn nặng nề vào vai trò của nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới.

Một nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg.

Trang tin SCMP cho biết nhà máy gia công iPhone tại Trịnh Châu (Trung Quốc) đang cải thiện chính sách tiền thưởng để thu hút công nhân trong bối cảnh Apple sắp ra mắt smartphone mới. Dù vậy, những người làm việc tại nhà máy cho rằng nơi đây "không còn như trước".

Khu phức hợp Foxconn Technology Group tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, được xem là thước đo vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, từ khi khách hàng lớn nhất (Apple) chuyển dần hoạt động gia công sang các quốc gia như Ấn Độ, nhân sự tại đây thưa thớt dần.

Nhiều công nhân, công ty tuyển dụng và chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết lao động tại khu phức hợp giảm đáng kể sau những xung đột cuối năm 2022, khi hàng nghìn nhân công bỏ việc vì lo lắng biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tập đoàn Foxconn không tiết lộ chi tiết sản lượng và số nhân công đang làm việc tại Trịnh Châu. Tuy nhiên, SCMP cho biết mùa cao điểm, lượng công nhân có thể gần 300.000 người.

Trong tuyên bố gửi đến trang tin ngày 20/8, Foxconn nói đã đầu tư rất nhiều vào quy trình tự động hóa và số hóa, giúp "cải thiện hiệu quả và sản lượng". Tập đoàn nhấn mạnh "không chỉ số lượng, chất lượng nhân sự cũng là thước đo quan trọng nhằm duy trì khả năng cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị".

Thanh pho iPhone Trung Quoc anh 1

Công nhân Foxconn trong giờ giải lao bên ngoài nhà máy tại Trịnh Châu. Ảnh: SCMP.

Trả lời phỏng vấn, một người đàn ông họ Gao (ngoài 50 tuổi) cho biết đang kiếm được 28 USD/ngày từ dịch vụ đưa đón công nhân bằng xe điện 3 bánh. Con số trên chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước sự cố.

Một người họ Ye, vừa trở lại nhà máy sau khi nghỉ việc năm 2022, cho biết "Foxconn không còn như trước", và đường phố yên tĩnh hơn rất nhiều.

Ngoài mức lương khoảng 300 USD/tháng, Ye còn nhận khoản thưởng 1.047 USD trong 3 tháng làm việc. Ye thừa nhận bị thu hút bởi tiền thưởng do Foxconn cam kết trong mùa cao điểm.

Theo quảng cáo tuyển dụng, tiền thưởng cho công nhân tăng lên 841 USD vào đầu tháng 7, so với 560 USD hồi tháng 3. Trong khi đó, lương cho lao động tạm thời là 3,51 USD/giờ, tăng so với 3,37 USD (tháng 7) và 3,08 USD (tháng 3).

Zhang, đại diện công ty tuyển dụng, cho biết hoạt động sản xuất tại Trịnh Châu ít nhộn nhịp hơn do Apple đã chuyển các công việc đòi hỏi nhiều lao động sang Ấn Độ.

Tập đoàn này ngày càng mở rộng hiện diện tại Ấn Độ. Tuần trước, Chủ tịch Foxconn Liu Young-way đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để công bố các kế hoạch đầu tư mới. Theo DigiTimes, quốc gia Nam Á này dự kiến xử lý 50% tổng sản lượng iPhone vào năm 2027.

Thanh pho iPhone Trung Quoc anh 2

Bên ngoài trụ sở kinh doanh mới của Foxconn tại Trịnh Châu. Ảnh: SCMP.

Số liệu từ chính quyền địa phương cho thấy tác động lớn. Theo hải quan địa phương, lượng smartphone xuất khẩu từ tỉnh Hà Nam trong nửa đầu năm còn 1,4 triệu, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất chấp chuỗi cung ứng dịch chuyển, Foxconn vẫn duy trì cam kết với Trịnh Châu. Cách "thành phố iPhone" khoảng 40 km là trụ sở kinh doanh mới của công ty. Khu đất rộng 70.000 m2, trị giá hơn 140 triệu USD sẽ phụ trách các lĩnh vực mới như xe điện, chất bán dẫn và robot.

Trong chuyến thăm Trịnh Châu vào tháng 7, chủ tịch Foxconn cho biết "rất coi trọng mối quan hệ đối tác với Hà Nam" và cam kết "tiếp tục hợp tác sâu rộng" tại địa phương.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Bạn đang đọc bài viết "'Thành phố iPhone' mất vị thế" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.