Tăng học phí đại học: Gánh nặng tài chính chuyển sang các gia đình?

17/05/2023 09:02

Chính phủ đồng ý với chủ trương tăng học phí theo lộ trình từ năm học 2023 – 2024. Trước thông tin này, phụ huynh, sinh viên lo lắng; các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) cũng đau đầu khi xem xét đưa ra mức thu phù hợp với người học.

Đặng Thị Hồng Minh quê ở Nghi Lộc, Nghệ An, là một trong 70 sinh viên được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa khu vực phía Bắc của Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và báo Tiền Phong là cơ quan thường trực) năm 2022. Minh là một trong số ít sinh viên nhận học bổng có hoàn cảnh đặc biệt. Mẹ Minh 37 tuổi mới lập gia đình và chỉ sinh được một mình em. Bố mất sớm, một mình mẹ với mấy sào ruộng, mẹ con Minh tần tảo nuôi nhau.

Đỗ ĐH Y khoa Vinh cũng là niềm mơ ước của nhiều học sinh, bên cạnh niềm vui, với Minh còn là nỗi lo vời vợi phía trước. Em cho biết, học kì I vừa qua, mẹ chắt chiu dành dụm đủ cho em đóng học phí là 7 triệu đồng. Tiền sinh hoạt hằng tháng, Minh làm thêm tại quán cà phê để trang trải. Vừa học vừa đi làm, mỗi tháng em nhận thù lao 1,5 triệu đồng, vừa đủ tiền sinh hoạt. Đến học kì II, được nhận các khoản học bổng, Minh đủ tiền nộp học phí, mẹ không phải hỗ trợ. Trước thông tin sắp tới tăng học phí, cũng là lúc Minh bước vào giai đoạn học lâm sàng, nên khoản thu nhập từ làm thêm sẽ giảm đáng kể nên Minh chưa biết sẽ bấu víu vào đâu để có đủ tiền đi học.

Sinh sống tại huyện Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, chị Vàng Thị Mẩy ngập ngừng chia sẻ về nỗi lo tiền đóng học phí cho con trai đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên. Thuộc hộ nghèo của xã, để con trai học được 2 năm vừa qua là cố gắng không ngờ của gia đình chị. Vì gia đình mong con trai đi học nghề, sớm đi làm để có thu nhập, nhưng do con muốn học ĐH nên cả gia đình chị gần như đã vắt kiệt nguồn lực trong hai năm qua. Khi được hỏi về việc nhà trường tăng học phí, chị Mẩy buồn buồn cho biết dù có hỗ trợ theo diện chính sách của Chính phủ nhưng hằng tháng, gia đình vẫn phải lo cấp một phần chi phí sinh hoạt và học phí cho con. Ở thành phố Thái Nguyên, kiếm được việc làm thêm không dễ nên gia đình chị Mẩy càng lo lắng cho tương lai của con.

Một vấn đề luôn được dư luận quan tâm khi tăng học phí đó là chất lượng đào tạo. GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, học phí của trường dự kiến tăng 10% so với năm học 2022 - 2023. Đây là lần tăng đầu tiên sau 4 năm giữ ổn định học phí của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ông Chương khẳng định, việc tăng học phí sẽ giúp các trường có điều kiện về tài chính để tăng dần chất lượng đào tạo.

PGS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định khi học phí tăng, chất lượng đào tạo của các trường chắc chắn sẽ tăng. Nhưng chất lượng cần thời gian để thay đổi, không có chuyện tăng đột biến.

Theo Ngân hàng Thế giới, thực trạng giảm ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính giáo dục ĐH. Gánh nặng tài chính cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn cho học sinh, sinh viên từ các hộ gia đình có khó khăn về tài chính.

Cần tránh chuyển gánh nặng sang hộ gia đình

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho hay mặt bằng học phí của các trường ĐH công của Việt Nam tương đối thấp, nhưng không hẳn ở mức đáy. Khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài yêu cầu đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, việc tăng học phí sẽ gây khó khăn cho một số đối tượng sinh viên yếu thế.

Theo ông Dũng, các trường ĐH cần tiết kiệm chi tiêu và tăng nguồn thu ngoài học phí. PGS Đỗ Văn Dũng tính toán với mức thu học phí 30 triệu đồng/năm, nếu biết tiết kiệm chi tiêu, các trường vẫn có lợi nhuận. Chẳng hạn như cần có các biện pháp giảm chi thông qua chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả, thu nhập của cán bộ giảng viên hợp lý, tăng cường vận động tài trợ từ doanh nghiệp... Cơ quan quản lý nhà nước cần phải có kênh giám sát và cảnh báo các trường.

Một báo cáo về tài chính của giáo dục ĐH tại Việt Nam do nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy một thay đổi quan trọng về mặt chính sách trong năm 2015 là Chính phủ đã đưa ra cơ chế để các trường ĐH công lập giảm dần phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tăng cường chia sẻ chi phí. Chính sách này vốn chỉ có thể khả thi đối với một số ít trường ĐH có khả năng thu đủ học phí thông qua các ngành học, chương trình đào tạo có sức hút với sinh viên, kể cả chưa tính tới yếu tố bình đẳng trong tiếp cận. Trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt tránh chuyển gánh nặng tài chính của giáo dục ĐH sang hộ gia đình/học sinh khi mà mức chi tiêu, đầu tư công cho giáo dục ĐH vẫn còn rất thấp; cũng như để hệ thống này quá phụ thuộc vào nguồn thu học phí trong khi nhóm hộ nghèo vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, ràng buộc về tài chính.

Đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục ĐH đã tăng đều đặn theo thời gian và hiện là nguồn thu quan trọng nhất của các trường đại học công lập. Năm 2017, ngân sách nhà nước cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường ĐH công lập trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác. Bốn năm sau, tức năm 2021, khảo sát nhóm cơ sở giáo dục ĐH công lập cho thấy đóng góp của hộ gia đình đã tăng vọt từ 55% lên 77% và nguồn ngân sách nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%.