Dự kiến kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20-10. Trước thềm kỳ họp QH, cử tri TP HCM đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến các đại biểu QH, nhất là câu chuyện nhà ở cho người thu nhập thấp, tình hình an ninh trật tự sau những tháng giãn cách xã hội…
Đưa vấn đề "nóng" ra nghị trường
Cử tri Trần Mạnh Dũng (quận 7) nói vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Ngoài sự quyết liệt của chính quyền TP HCM, để đại đa số công nhân có chỗ an cư, cử tri Dũng kiến nghị QH có chính sách tốt hơn cho lực lượng lao động nhập cư ở những trung tâm kinh tế lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Củ Chi, TP HCM trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Đồng tình, cử tri Cao Xuân Đạt (quận 4) nói ông ủng hộ TP HCM khi trong kế hoạch phục hồi kinh tế có việc xây nhà giá rẻ, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, các dự án nhà ở cho công nhân vừa qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mong QH có thể đưa nội dung này vào chương trình nghị sự để bàn luận, từ đó có chính sách thu hút đầu tư làm nhà ở cho công nhân.
Cử tri quận Bình Tân phản ánh thực trạng công nhân, người lao động trên địa bàn sinh sống trong điều kiện hết sức khó khăn, chật hẹp tại những dãy nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, an toàn... "Cần có những quyết sách mang tính đột phá trong xây dựng nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân. Đã đến lúc QH xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có thêm điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Qua đó, giúp người thu nhập thấp, nhất là công nhân được chạm đến giấc mơ an cư, để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung" - cử tri quận Bình Tân kiến nghị.
Ngoài vấn đề nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cử tri TP HCM cũng đề nghị sớm có luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cử tri Nguyễn Văn Dũng (Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Hóc Môn) phản ánh thực trạng thời gian qua rất nhiều cá nhân đứng ra vận động làm từ thiện. Theo quy định, điều kiện thành lập quỹ từ thiện phải có điều lệ, có đề án, có quy chế để hoạt động… Nhưng trên thực tế, các cá nhân vận động từ thiện một cách thoải mái, thậm chí có cá nhân vận động trên 100 tỉ đồng, trực tiếp nhận vào tài khoản của mình rồi đi phát. "Đây là lỗ hổng" - cử tri Dũng nhìn nhận, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh lại các nghị định liên quan đến lĩnh vực này; QH sớm ban hành luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cần có quy định sớm để quản lý hoạt động vận động từ thiện một cách chặt chẽ hơn, để người làm đúng thì được bảo vệ, người làm sai thì bị xử lý.
Đồng tình, cử tri Phùng Khôi Hoàng Tuấn (quận Bình Thạnh) nói rằng chính bởi việc quyên góp mang tính tự phát, cá nhân và không có tổ chức nên đã phát sinh những vấn đề lộn xộn. Do đó, cần rà soát trong luật pháp hiện hành có luật nào liên quan đến việc quản lý không, có thiếu sót gì không... "Tôi nghĩ một nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện phải xin phép rõ ràng, tiền quyên góp cũng nên đưa vào tài khoản cụ thể chứ không phải chuyển vào tài khoản cá nhân của người quyên góp" - ông Tuấn đề xuất.
Bên cạnh các vấn đề trên, cử tri TP HCM còn quan tâm đặc biệt đến tình hình an ninh trật tự sau dịch. Cử tri Nguyễn Thế Định (quận 1) lo lắng sau những tháng ngày giãn cách, nay nới lỏng chắc chắn sẽ phát sinh nhiều tệ nạn, nhất là nạn tín dụng đen. "Đề nghị QH quan tâm và bàn cách trị tận gốc tín dụng đen bằng các biện pháp thật sự hữu hiệu" - cử tri Nguyễn Thế Định gửi gắm.
Chia sẻ và tiếp thu
Với lo lắng của cử tri về tình hình an ninh trật tự, Phó Giám đốc Công an TP HCM Nguyễn Sỹ Quang - đại biểu QH, cho biết hiện nay, lưu lượng người dân ra đường đông đúc, tương ứng với số người đã tiêm đủ vắc-xin. Lượng người đủ điều kiện ra đường là khá lớn, kéo theo tội phạm. Ngoài ra, sau khi nới lỏng, người dân cần tiền để làm ăn, phục hồi sản xuất, nếu tiếp cận ngân hàng khó khăn thì họ sẽ tìm đến các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Việc này rất nguy hiểm. Hiện nay, Công an TP HCM đã có kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đưa những tội phạm nào đi vào diện trọng điểm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Quang lưu ý người dân phải hết sức cảnh giác vì tội phạm hiện nay rất tinh vi, liều lĩnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn Đại biểu QH TP HCM, nhìn nhận qua đợt dịch này, vấn đề an sinh xã hội đã bộc lộ nhiều mặt được và nhiều mặt chưa được. Do đó, sau dịch, TP HCM phải bình tâm, tính toán lại từ cơ cấu kinh tế, bố trí dân cư và chính sách, nhà ở cho người nhập cư… Theo Chủ tịch UBND TP HCM, chúng ta đón người từ các địa phương đến học tập, lao động, đóng góp cho thành phố nhưng chăm lo nhà ở và các chăm lo khác chưa được đầu tư đúng mức. Ông Phan Văn Mãi khẳng định việc này sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể, trong 11 thành phần thuộc kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP HCM có một kế hoạch về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định kế hoạch này sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể cho người có thu nhập thấp tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
Ghi nhận ý kiến của cử tri TP HCM, các đại biểu QH thuộc Đoàn Đại biểu QH TP HCM hứa sẽ chuyển tải lên diễn đàn QH cũng như các bộ, ngành liên quan và địa phương. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu QH thuộc Đoàn Đại biểu QH TP HCM, việc giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng của thành phố cũng như 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. Chủ tịch nước dẫn chứng số lượng người nhập cư ở huyện Hóc Môn rất lớn với trên 23%, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển.
"Cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ cho lực lượng tổ trưởng tổ dân phố. Trong đợt dịch vừa qua, lực lượng này đã luôn xông pha trong phòng chống dịch, thậm chí có người tử vong. Họ chịu rất nhiều áp lực nhưng chế độ đãi ngộ chưa xứng đáng".
Cử tri TRƯƠNG HỒNG SƠN, phường 16, quận 8, TP HCM
Người lao động