Tá hỏa vì phát hiện tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm thời hạn 82 năm

16/08/2023 00:07

Một người dân ở TP Cần Thơ phản ánh bà gửi tiền tiết kiệm nhưng khi kiểm tra lại mới phát hiện đó là hợp đồng bảo hiểm có thời gian đáo hạn tới 82 năm.

Ngày 15-8, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, đã có văn bản gửi Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) Chi nhánh Cần Thơ, yêu cầu xác minh thông tin, báo cáo về việc công dân phản ánh bị lừa gạt bán bảo hiểm có thời gian đáo hạn 82 năm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ nhận được đơn phản ánh của bà Huỳnh Thị Thanh Dung (ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) về việc nhân viên MB Bank là N.T.K.O và L.T.T.T đến cửa hàng của bà tiếp cận và lợi dụng lòng tin, đánh tráo khái niệm, lừa gạt bán bảo hiểm trong khi bà không có nhu cầu. Bà Dung đã ngoài 40 tuổi, trong khi bảo hiểm bán có thời gian đáo hạn 82 năm.

Bà Dung đề nghị làm rõ việc này để cảnh báo phòng ngừa chung, tránh trường hợp khác bị mắc lừa tương tự khi mua gói bảo hiểm trái ý muốn.

Tá hỏa vì phát hiện tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm thời hạn 82 năm - Ảnh 1.

Hợp đồng bảo hiểm thể hiện thời hạn hợp đồng lên tới 82 năm

Trao đổi với phóng viên, bà Dung cho biết: "Bà O. là khách hàng, thường lui tới cửa hàng của tôi. Năm 2022, O. đến, giới thiệu là nhân viên MB Bank Chi nhánh Cần Thơ. O. tặng tôi tài khoản MB Bank để giao dịch; liên tục mời gọi gửi tiết kiệm và nói chỉ sau 6 năm là có được khoảng tiền tích lũy cho con. Sau đó, O. tiếp tục giới thiệu L.T.T.T và cho biết là người phụ trách làm hồ sơ".

Theo bà Dung, T. cũng nêu vài ý là gửi tiết kiệm tại ngân hàng, nói chỉ sau 6 năm là có được khoảng tiền tích lũy cho con, chứ không hề đề cập hai từ "bảo hiểm". Vì vậy, bà đồng ý gửi tiết kiệm tích lũy.

"T. mang theo giấy tờ đã được soạn sẵn, nói nội dung chính trong hồ sơ là gửi tiết kiệm tích lũy, đồng thời yêu cầu tôi ký vào một xấp giấy tờ nhưng T. che lại phía trên. Vì tin tưởng 2 nhân viên này nên tôi chỉ ký chứ không xem nội dung và không lưu lại hồ sơ" - bà Dung phản ánh.

Sau khi ký hợp đồng xong, bà Dung chuyển tiền lần 1 là 52 triệu đồng vào tài khoản MB Ageas Life theo hướng dẫn. Đến giữa tháng 7-2023, nghe một số người quen cho biết vừa bị mắc lừa với hình thức gửi tiết kiệm thành việc mua bảo hiểm có giá trị thời gian đến gần 100 năm, bà yêu cầu T. gửi hồ sơ hợp đồng qua Zalo.

Lúc này, bà Dung mới phát hiện đó là hợp đồng mua bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas chứ không phải gửi tiết kiệm. Hợp đồng thể hiện bên mua bảo hiểm là bà Dung, người được bảo hiểm là con gái bà . Ngày hiệu lực hợp đồng là 27-9-2022 với số tiền bảo hiểm cho sản phẩm chính 500 triệu đồng, sản phẩm bổ trợ 200 triệu đồng; phí bảo hiểm định kỳ cho sản phẩm chính là 38.454.000 đồng, sản phẩm bổ trợ 1.546.000 đồng; phí bảo hiểm đóng thêm là 12 triệu đồng.

"Thời hạn hợp đồng bảo hiểm là 82 năm, trong khi năm nay tôi đã 40 tuổi. Nếu họ tư vấn ngay từ đầu đây là hợp đồng bảo hiểm thì tôi không bao giờ mua. Tôi đã gửi đơn cho nhiều cơ quan chức năng và MB Bank, đồng thời đề nghị ngân hàng này có câu trả lời thỏa đáng".

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo MB Bank Chi nhánh Cần Thơ cho biết công ty bảo hiểm sẽ có văn bản trả lời khách hàng. Thông tin ban đầu cho thấy khách hàng có ký, nhắn chuyển tiền; file ghi âm, tin nhắn đã xác nhận lại là đã đồng ý tham gia mua bảo hiểm.

Văn bản phúc đáp của MB Ageas gởi bà Dung khẳng định bà đã nhận được tin nhắn phát hành hợp đồng điện tử, xác nhận thông tin về hợp đồng bảo hiểm và đã được tư vấn về hợp đồng này. Vì vậy, công ty không đủ cơ sở giải quyết phản ánh của khách hàng.

Trường hợp hủy hợp đồng trong những năm đầu, khách hàng sẽ bị thiệt hại về tài chính do giá trị hoàn lại chưa bằng số phí đã đóng. Cụ thể, trong 6 năm đầu, nếu hủy hợp đồng trong năm thứ nhất thì bị trừ 90% (trên số tiền 52 triệu đồng mà bà Dung đã đóng), năm thứ 2 là 80%, năm thứ 3 là 70%, năm thứ 4 là 50% , năm thứ 5 là 20%, năm thứ 6 là 0%.

"Sau khi nhận văn bản phúc đáp của công ty, tôi đã hỏi T. nếu muốn hủy hợp đồng thì sẽ còn nhận lại bao nhiêu tiền, nhân viên này bảo tôi gọi lên tổng đài sẽ được giải thích cụ thể. Tôi nhẩm tính, hợp đồng này mới chỉ đóng năm đầu nên giá trị nhận lại chỉ còn 10% số tiền đã đóng, tức chưa tới 5 triệu đồng. Bây giờ tôi rất hoang mang vì sắp tới thời hạn năm thứ 2 đóng tiếp hợp đồng. Nếu không đóng, hợp đồng bị hủy, tôi mất hơn 45 triệu đồng, trong khi tôi không muốn tiếp tục duy trì hợp đồng này" - bà Dung lo lắng.