Trong đó, tuyến Vành đai 2 thuộc địa phận TP HCM đã tượng hình, riêng Vành đai 3 qua Bình Dương, Ðồng Nai, Long An và Vành đai 4 qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Ðồng Nai, TP HCM, Long An đang chờ trung ương bố trí vốn đầu tư.
Ðường Vành đai 2 - đoạn qua TP Thủ Ðức, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ðô thị đa trung tâm
Phóng tầm mắt về hướng đường Vành đai 2, ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ TP Thủ Ðức, TP HCM) mường tượng về một con đường rộng thênh thang, xe cộ lưu thông thoải mái, dọc hai bên là những khu đô thị mới, tòa cao ốc, khu thương mại sầm uất… giúp đời sống người dân thay da đổi thịt. Dù Vành đai 2 mới chỉ có đoạn 3 dài 2,75 km từ đường Phạm Văn Ðồng đến nút giao Gò Dưa được thi công đạt 44% khối lượng nhưng ông Tâm tin rằng một ngày rất gần, tuyến này sẽ khép kín, kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.
Ðường Vành đai 2 thuộc TP HCM dài 64 km, đến nay đã đầu tư hoàn thành 50 km, quy mô 6-10 làn xe. Dự án còn 4 đoạn chưa khép kín gồm từ đường Phạm Văn Ðồng đến nút giao Gò Dưa, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Ðồng và từ Quốc lộ 1 đến đại lộ Nguyễn Văn Linh. Trừ đoạn từ đường Phạm Văn Ðồng đến nút giao Gò Dưa đang thi công dang dở, 3 đoạn còn lại đang chờ bố trí vốn.
Cùng với Vành đai 2, tuyến Vành đai 3 (tổng chiều dài 89,3 km) đi qua 4 tỉnh, thành gồm TP HCM, Ðồng Nai, Bình Dương và Long An đang được các địa phương cân đối nguồn vốn để thúc đẩy tiến độ đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Ðường Vành đai 4 có chiều dài 198 km, đi qua các tỉnh, thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Ðồng Nai, TP HCM và Long An, mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỉ đồng, được Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy nhanh các thủ tục để có cơ sở bố trí vốn.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhận định Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4 là những trục đường huyết mạch, mang tính chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Ðặc biệt, đối với TP HCM, khi hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 tuyến vành đai này sẽ góp phần phân luồng, hạn chế một lượng lớn phương tiện lưu thông vào nội thành, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, tăng tuyến kết nối vùng, đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, kết nối các thành phố vệ tinh, góp phần giãn dân cư để hình thành giao thông theo hướng đô thị đa trung tâm.
Ðường Vành đai 3 - đoạn ngã ba Tân Vạn đến Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dồn sức huy động vốn
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận định trong các giải pháp kích cầu phát triển kinh tế vùng thì ưu tiên đấu nối hạ tầng giao thông. Rõ ràng việc hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4 không chỉ tạo sức bật cho phát triển kinh tế của TP HCM mà còn là cơ hội phát triển kinh tế vùng và liên vùng. Không chỉ những địa phương có tuyến vành đai đi qua hưởng lợi từ dự án mà các tỉnh Ðắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận và các tỉnh miền Tây… cũng được tạo đà để phát triển. "Ðể sớm đưa các tuyến vành đai vào vận hành thì cần thay đổi phương thức huy động vốn. Phải tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể và ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng thì kêu gọi đầu tư xây lắp theo phương thức PPP (đối tác công - tư) hoặc BOT. Với giải pháp này, tiến độ dự án có thể được đẩy nhanh" - ông Thuận đề xuất.
TS Ðinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần có cơ chế huy động vốn từ ngân sách nhà nước đến cả những nhóm đối tượng hưởng lợi từ dự án. Cụ thể, 4 nguồn vốn có thể huy động gồm: thứ nhất, ngân sách trung ương cho TP HCM giữ lại một phần để thực hiện các dự án trọng điểm, sau khi hoàn thành, hoạt động kinh tế trên trục dự án phát triển, ngân sách thành phố sẽ thu lại, nộp về cho trung ương; thứ hai, nguồn vốn ngân sách thành phố; thứ ba, vốn từ phát hành trái phiếu đô thị, đây là phương thức nhiều nước trên thế giới áp dụng, có hiệu quả hơn vốn vay ngân hàng; thứ tư, có cơ chế thu lại một phần giá trị bất động sản gia tăng nhờ dự án đi qua của các nhóm chủ đất, chủ bất động sản, giúp giảm tình trạng điều tiết đất bất thường, không theo quy định của pháp luật.
"Thực tế, rất nhiều con đường mở ra tại TP HCM khiến giá đất tăng rất cao, giúp nhiều nhà đầu tư hưởng lợi khủng nhưng ngân sách thành phố không thu được gì, trong khi phải bỏ tiền ra bồi thường giải phóng mặt bằng" - ông Hiển nêu.
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, để sớm khép kín 3 tuyến vành đai 2, 3, 4, cần có cơ chế riêng huy động các nguồn lực từ xã hội. "TP HCM cần có cơ chế để kêu gọi các nhà đầu tư bất động sản cùng tham gia thực hiện dự án dọc hai bên đường. Bởi khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao, các nhà đầu tư bất động sản được hưởng lợi trước tiên" - TS Võ Kim Cương nói.
Ba tuyến cao tốc
Dự án xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng đã được HÐND TP HCM thông qua nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện tại kỳ họp thứ 3 khóa X. Ðường cao tốc TP HCM - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến 50 km, trong đó đoạn qua TP HCM dài 23,7 km, có 8 làn xe; đoạn qua tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 68,7 km cũng được đề xuất đầu tư với tổng mức đầu tư 24.274 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 12.137 tỉ đồng, còn lại là BOT.
Cùng với 2 dự án xây dựng mới thì dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến từ 4 lên 8 làn xe đang được xúc tiến. Tổng kinh phí 11.500 tỉ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2021-2025.
Ðầu tư công với Vành đai 3 TP HCM
Mới đây, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án Đường vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM. Thủ tướng kết luận tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương án triển khai đầu tư. Do các dự án đi qua các đô thị; tổng mức đầu tư lớn; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường Vành đai 3.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TP HCM và ý kiến của các bộ - ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 TP HCM, dự án này sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức PPP theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 1263/TTg-CN đối với Vành đai 4.
Thủ tướng giao UBND TP HCM tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động..., báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Cùng với đó, TP HCM khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào đầu tháng 2-2022 để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2022. Ðể sớm thống nhất phương án đầu tư các dự án, Chính phủ cũng giao UBND thành phố thành lập tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường vành đai 3 và 4. Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội; rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Ðặc biệt, cần rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 1 km đường của dự án cao, rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất tỉ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.