Số ca mắc COVID-19 gia tăng, nhà trường, phụ huynh lo lắng

14/04/2023 13:01

Thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.

Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh khiến phụ huynh lo lắng

Vài ngày gần đây thông tin về việc gia tăng ca mắc COVID-19 khiến không ít người lo lắng. Đặc biệt, ngày 12/3 Bộ Y tế còn ra công văn khẩn đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống dịch.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cũng nhận định, trong tuần qua số ca mắc COVID-19 tăng so với tuần trước.

Thông tin này khiến nhiều phụ huynh ở Hà Nội lo lắng khi trẻ mắc COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc học, nhất là trong thời điểm “nước rút” này.

Chia sẻ với Vietnamnet, chị Nguyễn Thu Hương - phụ huynh có con học lớp 9 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Sắp tới con tôi sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Con có nguyện vọng xét tuyển vào Trường THPT Yên Hòa - ngôi trường có tỉ lệ chọi cao. Vì thế, thời gian này, gia đình dốc sức đồng hành cùng con ôn luyện.

Hai ngày nay, trước thông tin về dịch bệnh COVID-19, tôi thật sự lo lắng. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là thi học kỳ, thi tuyển sinh lớp 10, nếu không may con bị Covid-19, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ thi cũng như kiểm tra đánh giá”.

Bên cạnh đó chị Hà Thu Trang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có con đang học lớp 12, không giấu cảm xúc lo lắng khi lớp con chị đã có mấy học sinh mắc COVID-19, phải nghỉ học.

“Tôi như ngồi trên đống lửa vì nguy cơ con bị lây từ bạn rất lớn bởi học sinh mắc bệnh ngồi cách con một bàn.

Đây là thời gian vàng trong ôn luyện chuẩn bị kiểm tra, đánh giá cũng như chuẩn bị kiến thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học.

Ngoài việc nhà trường trang bị thêm nước sát khuẩn, tôi cũng nhắc nhở con thường xuyên khẩu trang. Ngoài ra, tôi dặn con hạn chế trao đổi, nói chuyện, tiếp xúc với bạn để tránh nguy cơ”, phụ huynh này nói.

Sự kiện - Số ca mắc COVID-19 gia tăng, nhà trường, phụ huynh lo lắng

Việc gia tăng ca mắc COVID-19 khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường THCS – THPT M.V Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Những học sinh của trường mắc COVID-19 đa số là học sinh khối 12. Có những lớp 15/35 học sinh phải nghỉ học vì ốm, sốt. Hiện tại, con số này đã giảm, lớp 12A2 chỉ còn 9 học sinh mắc COVID-19. Với những học sinh mắc Covid -19, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh cho các em nghỉ ở nhà đến khi test âm tính mới quay lại trường".

Nhà trường cũng bố trí giáo viên hỗ trợ dạy bù khi các học sinh quay lại trường, đặc biệt với các em học sinh khối 12 đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Chuyên gia chỉ ra guyên nhân ca mắc COVID-19 tăng

Trao đổi với VTC News, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn chuyển mùa đông xuân sang mùa hè, nên những bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa hay virus có xu hướng gia tăng.

Riêng với COVID-19, người mắc gia tăng so với tháng 1,2, nhưng hiện vẫn ở mức thấp so với các dịch bệnh khác trong giai đoạn chuyển mùa. Toàn thành phố ghi nhận 240 ca COVID-19, trong đó 124 ca đang điều trị tại cơ sở y tế đều nhẹ, còn lại 116 ca là theo dõi tại nhà.

Trong khi đó, TS.BS Vũ Tùng Sơn, Phó chủ nhiệm khoa Dịch tễ - Học viện Quân y cũng nhận định, thời gian gần đây bệnh nhân COVID-19 tăng nhưng đa số ở dạng nhẹ, thậm chí triệu chứng không rõ ràng. Nguyên nhân có thể do miễn dịch cộng đồng giảm xuống, cùng với đó là sự chủ quan trong chủ động tự phòng bệnh của nhiều người.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Hiện tổ chức Y tế Thế giới chưa công bố hết dịch vì tình hình vẫn chưa ổn định. Hơn nữa, số ca mắc như hiện nay chưa thực tế vì người nhiễm bệnh không test hoặc họ test dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế.

Ông Phu nhận định, sau dịp nghỉ lễ tới đây có thể số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng, tuy nhiên người dân không nên hoang mang, vì tỉ lệ mắc so với số dân là rất thấp nhưng cũng không nên chủ quan.

Tính đến thời điểm này, chưa có khuyến cáo nào về việc hạn chế di chuyển, du lịch hay tụ tập đông người. Do vậy, người dân cần duy trì nguyên tắc 2K không chỉ phòng COVID-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.

Ngoài ra, cần tiêm vắc-xin theo đúng khuyến cáo về độ tuổi, đủ mũi và đúng lịch. Đặc biệt người trên 75 tuổi, người có bệnh nền cần phải lưu ý đến việc tiêm phòng và phòng bệnh, vì khi mắc bệnh sẽ thường có biến chứng nặng.

Với ngành Y tế cần đánh giá về các chủng virus mới, khả năng vô hiệu vắc-xin hay không để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ, đại dịch chưa chấm dứt thì số ca mắc lên xuống là "bình thường". Theo thống kê của Bộ Y tế, vài tuần nay ca mắc COVID-19 nhập cảnh chiếm gần 50%. Một lý do khác là do người dân, tổ chức buông lỏng việc tuân thủ 2K (khẩu trang và khử khuẩn).

“Dịch còn nghĩa là còn người mắc. Người nhiễm và người tiếp xúc không mang khẩu trang, không rửa tay thì lây nhiễm gia tăng rất dễ”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, ngay sau khi có sự gia tăng ca mắc mới COVID-19 gấp mấy lần những ngày trước đó Bộ Y tế cũng có những chỉ đạo về việc không chủ quan với đại dịch COVID-19. Gần một năm nay số ca mắc mới trong cả nước hầu hết ở con số mấy chục ca. Giờ tăng gấp mấy lần tức là ở con số vài trăm ca. Với số mắc này so với các bệnh dịch khác (sốt xuất huyết, cảm cúm, tiêu chảy...) là không cao. Vẫn biết, số mắc COVID-19 thực tế nhất định là cao hơn nhiều vì giờ hầu hết mọi người không test, không khai báo…

Thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 đến 11/4/2023), cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.

Tại Hà Nội do đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân sang mùa hè nên những bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa hay virus càng có xu hướng gia tăng nhất định. Toàn thành phố Hà Nội hiện ghi nhận 240 ca COVID-19, trong đó 124 ca đang điều trị tại cơ sở y tế đều nhẹ, còn lại 116 ca là theo dõi tại nhà.

Cách phòng tránh COVID-19

1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).

2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.

3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.

7. Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.

8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.

9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.

Trúc Chi (t/h)