Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 9-10, vị trí tâm Bão số 7 ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Vị trí và dự báo đường đi của bão số 7- Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 10-10, vị trí tâm bão cách Hải Phòng khoảng 90 km, cách Nam Định khoảng 100 km, cách Thanh Hóa khoảng 170 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20 km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, từ chiều nay đến ngày 10-10, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An dự báo có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Bão số 7 sẽ gây mưa to đến rất to ở phía Đông Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 250 mm.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngay sau bão số 7 khả năng xuất hiện bão số 8: trên biển Đông. Theo ông Lâm, sáng nay trên vùng biển Thái Bình Dương có 1 cơn bão khác với tên quốc tế là KOMPASU đang hoạt động.
Dự báo khoảng đêm 11-10 đến sáng 12-10, cơn bão này có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 năm 2021. Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13 đến 14-10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này.
Các tính toán dự báo tại thời điểm ngày 9-10 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho thấy có khả năng ngày 16 đến 17-10 sẽ xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.
Bắc Bộ đón không khí lạnh đầu mùa, trời chuyển rét
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong ngày 10 đến 11-10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C. Trong những ngày tiếp theo, không khí lạnh còn duy trì và liên tục được bổ sung yếu, ở các tỉnh Bắc Bộ duy trì trạng thái thời tiết lạnh về đêm và sáng sớm, riêng vùng núi và vùng núi cao có nơi trời rét.