Trước đó, chiều 30/7, sau trận mưa kéo dài khiến đèo Bảo Lộc xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Trong đó, khối lượng lớn đất đá trên đồi bị sạt lở xuống vùi 3 CSGT thuộc Trạm CSGT Madagui đang tuần tra kiểm soát đã trở về chốt để cùng người dân di dời phương tiện, trang thiết bị. Bên cạnh đó, khối lượng đất đá lớn đổ sập xuống cũng vùi lấp thêm 1 người dân.
Sáng 31/7, trước khi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng đã vào hiện trường sạt lở và đến thăm hỏi, động viên, chia buồn các thân nhân gia đình nạn nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Ông Trần Văn Hiệp cho biết, hơn nửa năm qua, tình hình thiên tai, thời tiết tại địa phương diễn biến phức tạp. Mưa lớn kéo dài, nền đất yếu gây ra các vụ sạt lở đất, sạt trượt công trình, trong đó có vụ sạt lở ở Tp.Bảo Lộc khiến 3 CSGT đang làm nhiệm vụ hy sinh, 1 người dân tử vong. Theo ông Hiệp, lượng mưa tập trung ở trên đèo Bảo Lộc quá lớn và bất thường dẫn tới sạt lở. Khi sự cố xảy ra, địa phương huy động hơn 200 người và gần 20 phương tiện tìm kiếm nạn nhân.
Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có 163 điểm sạt lở đất và có nguy cơ cao. Trong bối cảnh giao thông tại địa phương đang bị chia cắt, ông mong muốn Bộ Giao thông Vận tải quan tâm bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường do bộ quản lý. Ông Quận mong Phó Thủ tướng quan tâm, thúc đẩy các bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy dự án cao tốc.
Đối với 163 điểm sạt lở và có nguy cơ, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo tỉnh đang đánh giá lại và đã đánh dấu trên bản đồ. Sau khi khảo sát xong các điểm sạt lở, tỉnh sẽ khuyến cáo cụ thể. Ngoài ra, trong ngày 31/7, tỉnh sẽ tiến hành tháo dỡ các công trình nhà tạm dọc tuyến đèo Bảo Lộc.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho hay, bộ đang phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát hơn 163 điểm sạt lở trên các tuyến đường để có phương án xử lý, ngăn không để xảy ra các vụ việc tương tự. Phương án ứng trực trong giai đoạn thời tiết diễn tiến xấu, tính luôn cả phương án sạt đường, nứt đường và giải pháp khắc phục để nối lại giao thông nhanh nhất nếu có sự cố xảy ra...
Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin, nhận tin về vụ sạt lở ông liền có mặt tại hiện trường, đồng thời liên hệ với các tỉnh khác nhờ CSGT hỗ trợ điều tiết giao thông và đưa ra các phương án điều hướng từ Tp.Đà Lạt về Tp.HCM theo nhiều hướng. Hai đầu đèo Bảo Lộc, lực lượng ứng trực để hướng dẫn dòng xe cộ, tránh ùn tắc và đi vào khu vực nguy hiểm. Tại hiện trường, mưa liên tục. Nhiều lực lượng tận dụng thời gian và đưa ra các phương án tìm kiếm người mất tích. Người đứng đầu Công an tỉnh Lâm Đồng đề nghị các bộ, ban, ngành báo cáo để phong liệt sỹ cho 3 CSGT đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhằm ghi nhận công trạng của các chiến sĩ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương sự kịp thời trong công tác triển khai cứu hộ, cứu nạn của tỉnh Lâm Đồng và các lực lượng tham gia. Các lực lượng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm dầm mình trong mưa để tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả sạt lở và nỗ lực khai thông đường bị đất đá vùi lấp.
Đánh giá tình hình mưa lũ ở Lâm Đồng ngày càng phức tạp, khó lường, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát các điểm và khu vực sạt lở, để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do mưa bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ban, ngành Trung ương phố hợp tiếp tục thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn; quan tâm, chia sẻ, động viên thân nhân các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và người dân tử vong.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao tỉnh Lâm Đồng cùng các bộ, ban, ngành Trung ương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để Chính phủ truy tặng liệt sĩ cho các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chốt đèo Bảo Lộc.