Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng "cò mồi", "taxi dù" tại các sân bay

01/03/2022 22:00

(NLĐO)- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh hàng không; khắc phục tình trạng "cò mồi", "taxi dù" hoạt động ngang nhiên, trái phép tại các sân bay.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, vừa yêu cầu tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm an ninh hàng không, phòng chống khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đối với các địa phương có cảng hàng không, sân bay.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh hàng không; khắc phục tình trạng "cò mồi", "taxi dù" hoạt động ngang nhiên, trái phép tại các cảng hàng không, sân bay; triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn chiếu laser, thả diều, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, các hoạt động uy hiếp đến an toàn hàng không...

Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng cò mồi, taxi dù tại các sân bay - Ảnh 1.

Taxi công nghệ đón khách bên trong nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Ảnh: THU HỒNG

Cụ thể, tại Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 1-3-2022 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực đã nêu rõ do tình hình dịch bệnh Covid-19, một số nhiệm vụ chưa được thực hiện theo kế hoạch công tác năm 2021 của Ủy ban An ninh hàng không. Đó là công tác kiểm tra, tập huấn, diễn tập...; công tác tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp ngành/tỉnh chưa được duy trì thực hiện thành nề nếp; vẫn còn tình trạng ách tắc hành khách tại một số sân bay do thiếu kiểm soát, việc sử dụng giấy tờ xác nhận nhân thân không đúng…

Năm 2022, dự báo kinh tế sẽ phục hồi, hoạt động vận tải sẽ tăng mạnh mẽ, trong đó có vận chuyển hàng không, do đó đặt ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với công tác an ninh, an toàn hàng không.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá, hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Luật Hàng không dân dụng, Nghị định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...) về an ninh, an toàn hàng không;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; xây dựng, củng cố văn hóa an ninh hàng không, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp trong bảo đảm an ninh hàng không.

Ủy ban An ninh hàng không phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện, hội thảo chuyên môn về an ninh hàng không cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống bảo đảm an ninh hàng không và ngành hàng không, hình thức tổ chức phù hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp bảo đảm an ninh hàng không, phòng chống khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đối với các địa phương có cảng hàng không, sân bay phù hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Tổ chức diễn tập cấp quốc gia đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng theo kế hoạch được duyệt.

Đồng thời, tổ chức đánh giá rủi ro an ninh hàng không, thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro an ninh hàng không; chuẩn bị và tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không; chuẩn bị và tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết của Ủy ban An ninh hàng không theo quy định.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án ứng phó máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan về việc giám sát, cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm vùng hoạt động hàng không dân dụng.

Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định về công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy định liên quan về tăng cường quản lý, giám sát và thiết lập khu cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; các quy định về cấm sử dụng tia laser, nguồn sáng có công suất lớn tại khu vực cảng hàng không, sân bay.

Thành lập lực lượng kiểm soát an ninh hàng không

Phó Thủ tướng Thường trực  giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không theo thông lệ quốc tế và thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp, không cổ phần hóa, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung; làm việc với Bộ Nội vụ để thẩm định việc thành lập lực lượng kiểm soát an ninh hàng không theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp và đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quy định mở các khóa đào tạo chính quy trong hệ thống học viện, nhà trường của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho các đối tượng là chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, giám sát viên an ninh hàng không của ngành hàng không.