Phát triển hạ tầng TT&TT mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội

24/02/2024 16:07

‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050’ được xây dựng nhằm phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông - hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội...

Ngày 23/2, những nội dung chính cùng kế hoạch triển khai "Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được Bộ TT&TT phổ biến tới đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn của ngành TT&TT.

Phát triển hạ tầng TT&TT mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Theo Bộ TT&TT, Việt Nam đang có ,ức độ phổ cập hạ tầng thông tin và truyền thông cao hơn so với các nước phát triển có thu nhập cao với mức giá thấp. Mặc dù là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao.

Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến. Tỷ lệ này trước đây là 97%.

Trong số 7,3 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỷ lệ điện thoại thông minh là 63% thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.

Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng Internet, tiếp cận không gian số.

Lượng địa chỉ IPv4 thế hệ cũ đã dần cạn kiệt, không đủ cho người sử dụng và càng không đủ để phát triển kinh tế số. Các nước trên thế giới đều đang tăng tốc chuyển đổi sang IP thế hệ mới.

Đến nay, tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.

Đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông

Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng thông tin và truyền thông là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Cùng với các mục tiêu được đặt ra, quy hoạch cũng đề xuất các giải pháp thực hiện Quy hoạch, trong đó bao gồm một số giải pháp đột phá như: Dừng triển khai công nghệ viễn thông di động thế hệ cũ theo lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các băng tần cho công nghệ mới, đồng thời quy hoạch bổ sung băng tần mới để phát triển các công nghệ di động thế hệ mới 4G, 5G và các thế hệ tiếp theo. Từ năm 2025 tập trung phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Phân bổ tài nguyên viễn thông (tần số, kho số, tên miền,…) theo cơ chế thị trường đủ để bảo đảm cung cấp chất lượng dịch vụ viễn thông ngang tầm khu vực và thế giới; Chính sách cho phép trung tâm dữ liệu được áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp tại nguồn, cho phép các trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub) được áp dụng các cơ chế đặc thù, ưu tiên đặt tại các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của Việt Nam; Ban hành chính sách khuyến khích và bắt buộc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, thúc đẩy việc kết nối, liên thông dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, tiết kiệm nguồn lực xã hội; Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm trọng điểm Make in Viet Nam phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh...

Triển khai quy hoạch là trách nhiệm của các ngành, lĩnh vực

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, quy hoạch hạ tầng TT&TT có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Phát triển hạ tầng TT&TT mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng, quy hoạch này hoạch định không gian cũng như nguồn lực cho sự phát triển hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển hạ tầng TT&TT thành hạ tầng thế hệ mới, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số.

“Bộ TT&TT kêu gọi sự đồng hành, hợp tác, ủng hộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp TT&TT chủ lực trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch”, Thứ trưởng nói.

Tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý và tổ chức thực hiện ‘Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050’. Để Quy hoạch được triển khai theo đúng tầm nhìn và định hướng đã đề ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch này và đang gửi xin ý kiến góp ý của các đơn vị, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới để làm sở cứ triển khai Quy hoạch.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bố trí nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch này.

Các địa phương xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch.

Các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển của mình phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng thông tin và truyền thông để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch như: hình thành các trung tâm bưu chính khu và trung tâm bưu chính vùng, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và trung tâm dữ liệu khu vực, triển khai, đầu tư thêm các tuyến cáp viễn thông quốc tế, hình thành và triển khai đề án, dự án khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm…

Việc triển khai Quy hoạch thành công sẽ kiến tạo động lực, không gian phát triển cho lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bao trùm và bền vững.