Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TP HCM sáng 11-10 trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, khi đề cập việc một số địa phương đưa ra các quy định kiểm soát giao thông trái với quy định của trung ương, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", cản trở các hoạt động, lưu thông hàng hóa dịch vụ và dịch chuyển lao động.
"Nếu các địa phương làm không tốt, hiểu không đúng nghĩa "pháo đài", tự đặt ra những quy định riêng bất cập, sẽ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, gây ách tắc giao thông, đứt gãy chuỗi cung ứng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Hành khách mệt mỏi chờ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10-10 Ảnh: Duy Bảo
Chủ tịch nước khẳng định "xã, phường là pháo đài chống dịch" - tức là khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của địa bàn cơ sở và đề cao vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Khái niệm "pháo đài" không có nghĩa là biệt lập, đặt ra những quy định riêng, trái với chỉ đạo của trung ương.
"Không để tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra", như báo chí trong những ngày gần đây nói rất nhiều về việc chúng ta cắt khúc địa phương này, địa phương khác" - Chủ tịch nước phát biểu.
Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao trách nhiệm cho Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải (GTVT) - cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ - được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Thủ tướng nhấn mạnh: "Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ".
Những chỉ đạo của Trung ương là thống nhất và rất cụ thể. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn ban hành "giấy phép con", vẫn cát cứ trong công tác chống dịch, biến địa phương mình thành "pháo đài" biệt lập trong phòng chống dịch, gây khó khăn cho công tác điều hành chung.
Chỉ riêng với lĩnh vực hàng không, quy định cứng nhắc đã làm cho tình hình phức tạp. Ngày 10-10, khi hàng không nội địa khởi động trở lại, nhiều chuyến bay bị "trục trặc" do Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng có những quy định cách ly hành khách đến khác biệt với hướng dẫn của Bộ GTVT. Hà Nội, Hải Phòng cách ly hành khách đến với 7 ngày tập trung. Thậm chí, Thừa Thiên - Huế còn yêu cầu hành khách phải đăng ký trước và phải được tỉnh phê duyệt danh sách! Đó là lý do các hãng hàng không chỉ thực hiện 11 trong số 38 chuyến bay theo kế hoạch với lượng khách rất hạn chế trong ngày 10-10.
Vì thế, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo thống nhất quy định về điều kiện đối với hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không, áp dụng chung trong toàn quốc. Đặc biệt, Cục Hàng không đề nghị các địa phương không yêu cầu hành khách phải cách ly tập trung.
Rõ ràng Hà Nội, Hải Phòng… đã hiểu khác chỉ đạo của Chính phủ. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trong kiểm soát lưu thông hàng hóa, đặc biệt trong việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 vừa qua, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho tiêu dùng lẫn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất. Cho đến khi phải chịu nhiều áp lực, Hà Nội, Hải Phòng mới gỡ bỏ tình trạng cách ly trái với quy định chung.
Lưu thông giữa các địa phương cũng xảy ra tình trang tương tự. Ngày 1-10, TP HCM lấy ý kiến của 4 tỉnh liền kề là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh về phương án cho người đi ôtô, xe máy cá nhân được lưu thông giữa 5 địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tham khảo, cho ý kiến, 5 địa phương này đến nay vẫn chưa thể thống nhất kế hoạch đi lại chung.
Tương tự, ngày 10-8, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản đề xuất 7 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế; đồng thời đề xuất UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến về nội dung này. Đề xuất này vẫn chưa được các địa phương triển khai.
Rồi đây, các tỉnh Nam Trung Bộ hay Tây Nguyên cũng làm như Sóc Trăng thì liệu hiệu quả đến đâu, khi mà việc sản xuất - kinh doanh và cả trong công tác phòng chống dịch giữa các địa phương đều có mối quan hệ chằng chịt với nhau?
Nhìn lại thời gian chống dịch quyết liệt vừa qua, do yêu cầu chống dịch, chúng ta đã thực hiện việc giãn cách xã hội quá dài, nền kinh tế lao dốc, người dân kiệt quệ. Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng không phải vì vậy mà không dám mạnh dạn áp dụng những biện pháp mạnh mẽ, táo bạo để phát triển kinh tế. Chống dịch là để bảo vệ sức khỏe người dân; chống dịch cũng là để tìm cách phát triển kinh tế, để lấy nguồn lưc chống dịch hiệu quả hơn.
Hơn lúc nào hết, cần một cây đũa chỉ huy chung trong các quyết sách chống dịch và phục hồi kinh tế, chớ không thể để mỗi địa phương, mỗi khu vực tách ra làm riêng. Đó là lý do trong Công điện hỏa tốc ngày 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chậm nhất 3 ngày kể từ khi ban hành công điện này, phải ban hành quy định, hướng dẫn và triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính còn yêu cầu các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế; nghiên cứu sớm có chính sách kích thích kinh tế có hiệu quả, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.
Chúng ta đang cần một cây đũa chỉ huy chung về phòng chống dịch và khôi phục kinh tế chớ không phải những quy định cục bộ địa phương, khu vực, để biến thành những "pháo đài", làm nảy sinh những quy định cát cứ, ảnh hưởng đến chiến lược mới của Chính phủ.