PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cách ly tại nhà giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

18/11/2021 12:04

"Hà Nội nên cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà, thậm chí cả những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng".

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội khi trao đổi với Người Đưa Tin.

Cách ly tập trung, áp lực tâm lý rất lớn cho người dân

NĐT: Từ ngày 17/11, Thành phố Hà Nội thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ”. Ông đánh giá như thế nào về phương án này?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cách làm này của Hà Nội khá thận trọng. Mục đích của việc phân tầng điều trị nhằm giảm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến đầu sẽ chỉ tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng; huy động sự vào cuộc của y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế lưu động.

Tuy nhiên, hiện các bệnh viện của Hà Nội chưa quá tải mà “gom” các bệnh nhân về một địa điểm nào đó của phường, xã sẽ không đảm bảo. Trong bối cảnh dịch bùng phát lớn, bệnh viện quá tải, bệnh nhân nặng quá nhiều và người dân không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì mới phải thành lập các trạm y tế lưu động (cung cấp oxy, cấp cứu ban đầu-PV).

Theo tôi, phát huy y tế cơ sở là giám sát việc cách ly tại nhà một cách chặt chẽ chứ không phải thành lập ra một cái nơi “ná ná” bệnh viện.

Sự kiện - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cách ly tại nhà giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

PGS.TS.Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội.

Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn về điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà. Nhiều bệnh nhân ở thể nhẹ, không phải thở oxy thì bắt họ vào các “trạm lưu động” làm gì? Chỉ những trường hợp cần can thiệp y tế mới cho điều trị tập trung. Tôi nhắc lại điều này, “trạm lưu động” chỉ phòng tình huống quá tải thôi!

Thay vì thí điểm thu dung điều trị tập trung những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, không triệu chứng trên địa bàn quận, huyện có thể cách ly, điều trị tại nhà. Điều quan trọng là công tác giám sát chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định.

NĐT: CDC Hà Nội khẳng định, thành phố vẫn đảm đương được việc cách ly tập trung 60.000- 70.000 trường hợp F1, vì thế không nên áp dụng rộng rãi cách ly tại nhà trong bối cảnh “đất chật người đông”. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Thành phố Hà Nội có vẻ khá “cố thủ” với tư duy cũ, vẫn đang dè dặt trong việc triển khai cách ly tại nhà.

Trước đó, Bộ Y tế đã có thông báo đề nghị tăng cường cho phép cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà. Đợt dịch vừa qua, nhiều nơi đã cho phép cách ly F1, thậm chí F0 thể nhẹ, không có triệu chứng ở nhà, đạt hiệu quả cao, hạn chế được lây nhiễm, không gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế, giảm tải gánh nặng kinh tế.

Việc liên tục bùng phát những ổ dịch nhỏ, chúng ta không thể cách ly tập trung mãi được. Vì thế, việc cách ly tại nhà rất thuận tiện, cần thiết, đạt được nhiều mục đích.

Thứ nhất, cách ly tại nhà sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. Thứ hai, đỡ tốn kém chi phí cho Nhà nước. Thứ ba, không gây nguy cơ lây lan cho người ở trong khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Sự kiện - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cách ly tại nhà giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng (Hình 2).

Các địa phương không được chủ quan lơ là trong phòng chống dịch.

Nếu gia đình họ có đủ điều kiện đảm bảo cách ly được thì nên để họ cách ly tại nhà. Ở nhà, điều kiện ăn uống, vệ sinh đầy đủ hơn, có thuốc điều trị sẽ hỗ trợ họ tốt hơn. Trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn về phòng ở thì vẫn cần đưa đi cách ly tập trung.

Theo tôi, Hà Nội cần triển khai luôn, không cần phải triển khai thí điểm vì thực tế nhiều tỉnh thành có dịch đã áp dụng phương án cách ly tại nhà trước đó. Cứ đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế là áp dụng cách ly tại nhà luôn, không cần triển khai từng bước làm gì. Bởi, hệ thống y tế cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ dân phố, chính quyền cấp cơ sở của Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai các hoạt động giám sát rất tốt.

NĐT: Hiện, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 100-200 ca F0, con số này khiến người dân lo lắng. Theo ông, yếu tố nào quyết định phương án cách ly tại nhà đạt hiệu quả?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Tỉ lệ ca mắc so với số dân hiện nay cho thấy Hà Nội đang ở cấp độ 2, con số đó không đáng lo ngại, thành phố vẫn đang kiểm soát tốt.

Theo tôi, có 3 yếu tố quyết định có áp dụng cách ly tại nhà được hay không. Thứ nhất, cách ly tại nhà thì phải xem xét nhà đó có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không, nhà họ có phòng riêng hay không? Thứ hai, ý thức của người dân trong việc cách ly tại nhà có thực hiện được hay không? Thứ ba, cán bộ y tế cơ sở và chính quyền địa phương có theo dõi được hay không?

Sự kiện - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cách ly tại nhà giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng (Hình 3).

Điều quan trọng nhất là ý thức và trách nhiệm trong phòng ngừa dịch bệnh của người dân.

Loại bỏ hoàn toàn F0 là rất khó

NĐT: Hiện nay, theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể “Zero Covid”. Vậy, đâu là cơ sở để Hà Nội thực hiện cách ly tại nhà hiệu quả, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể cách phân biệt F0, F1, F2. Những gia đình nào có điều kiện theo đúng quy định của Bộ Y tế sẽ cách ly tại nhà để người dân thoải mái trong việc cách ly.

Tỉ lệ bao phủ vắc-xin tại Hà Nội khá cao cũng là căn cứ để có thể thực hiện việc cách ly F1 tại nhà. Hiện, Hà Nội cũng đang tích cực đẩy mạnh tỉ lệ bao phủ vắc-xin, rút ngắn thời gian tiêm các mũi để tạo miễn dịch cộng đồng. Hơn nữa, hiện nay phải thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, ý thức phòng dịch của người dân đã tốt hơn trước.

Điều quan trọng, Hà Nội cần có những chương trình tầm soát, giám sát những trường hợp nguy cơ cao để phát hiện sớm, tránh tình trạng F0 tiếp xúc với nhiều người, không kiểm soát được.

Sự kiện - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cách ly tại nhà giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng (Hình 4).

Ngày 15/11, Hà Nội ghi nhận con số kỷ lục 289 ca bệnh.

Khi phát hiện F0 sớm, việc khoanh vùng, cách ly kịp thời sẽ không khiến dịch lan rộng. Tất nhiên, quá trình tầm soát không thể phát hiện được hết tất cả các trường hợp nên cần tăng cường công tác truyền thông để người dân có kiến thức cơ bản về dịch, khi phát hiện triệu chứng sớm đến cơ sở y tế làm xét nghiệm.

Về mặt chính quyền, cần hạn chế các hoạt động tụ tập đông người; rà soát các hoạt động buôn bán, dịch vụ, không lơ là, mất cảnh giác…

NĐT: Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng cho phép cách ly tại nhà sẽ khó bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Trước hết cần làm rõ khái niệm, thế nào là bóc tách F0 khỏi cộng đồng? Mục đích là để F0 không lây lan sang những người khác. Thế bây giờ, cách ly tại nhà mà tuân thủ đúng thì có lây lan được không?

Với thực tế diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội, khả năng loại bỏ hoàn toàn F0 là rất khó, vì mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng. Theo đó, cách ly tại nhà chính là một biện pháp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng chứ không nhất thiết phải đến bệnh viện, khu cách ly tập trung. Rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng như vậy.

Quy định của Bộ Y tế về việc cách ly cũng rất bài bản, nghiêm ngặt. Để thực hiện được việc cách ly F1, điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại nhà, lực lượng chức năng ở cơ sở cũng cần thực hiện việc giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định. Đồng thời có những phương án hỗ trợ người dân khi cách ly.

Với một trường hợp cụ thể, nếu có quyết định điều trị tại nhà hoặc cách ly tại nhà mà không tuân thủ quy định thì đã có chế tài pháp luật, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Khi giám sát mà họ vẫn cố tình vi phạm thì cho đi cách ly tập trung và xử lý nghiêm. Nếu chúng ta cứ e sợ một vài trường hợp “con sâu làm rầu rồi canh” thì không thể áp dụng được.

Chúng ta có tổ Covid cộng đồng, trạm y tế, nhân viên y tế, chính quyền địa phương, thậm chí là ban quản lý các tòa nhà, tổ dân phố giám sát F1, F0, tại sao phải lo sợ về điều này?

Điều quan trọng nhất là ý thức và trách nhiệm trong phòng ngừa dịch bệnh của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát và xử phạt, kết hợp giãn cách, xét nghiệm mở rộng tại những khu vực có F0, khu vực phong tỏa, đẩy mạnh tầm soát người bệnh ho sốt...

NĐT: Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi!

Hương Lan (Thực hiện)

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng, số F1 cũng sẽ tăng theo nên việc cách ly tại nhà rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội là địa phương tiếp tục có số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng thời gian qua, cần phải tính toán sớm việc cách ly F1 tại nhà.

“Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, nếu tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn, nguy cơ lây nhiễm rất ít. Cách ly F1 tại nhà phải đảm bảo đủ 4 điều kiện, trong đó người cách ly phải có hiểu biết; có cơ sở vật chất (có người chăm nuôi, cung cấp thực phẩm và phải có cam kết); phòng ở phải tách biệt, tốt nhất phải có cửa sổ mở thoáng; có hệ thống giám sát (y tế cơ sở, công an, tổ Covid cộng đồng); gắn camera để giám sát, nếu vi phạm thì xử phạt. Phải làm mới thấy bất cập ở đâu để khắc phục”, vị chuyên gia này cho biết.