Ông Nguyễn Đức Chung sẵn sàng bán nhà khắc phục hậu quả, mong được khoan hồng

26/08/2023 20:06

Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Đức Chung "chua xót" rằng, việc trồng cây là một chương trình tốt đẹp nhưng cái kết ông lại phải ra tòa. Ông Chung nhận trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng bán nhà để bồi thường nếu bị buộc phải khắc phục hậu quả; mong được tòa khoan hồng để sớm về chữa bệnh, còn mẹ già phải chăm sóc.

'Tôi không nghĩ họ lại bắt tay nâng khống giá để chia nhau'

Ngày 26/8, được tự bào chữa sau khi Viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày từ năm 2013, có rất nhiều cây xanh trên các tuyến phố Thủ đô không được cắt tỉa và đổ rạp xuống đường, gây nhiều vụ làm chết người hoặc đè bẹp ô tô, xe máy.

Theo ông Chung, Hà Nội thời điểm đó vốn ngân sách chăm sóc cây đã được HĐND thành phố thông qua, chủ trương cũng được phê duyệt và có dự toán, chỉ còn chờ trình quyết định. Do đó, khi ông bắt đầu nhậm chức đã cho phép triển khai trồng, cắt tỉa cây song song với trình quyết định.

Về việc cho trồng 600.000 cây keo ven Đại lộ Thăng Long và 34 tuyến đường khác, ông Chung thừa nhận không thực hiện thông qua đấu thầu. Song bị cáo cho rằng sau khi trồng, bắt đầu từ 2018 thì mỗi một năm, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 230 tỷ đồng tiền quỹ duy tu, duy trì.

Cựu Chủ tịch Hà Nội còn nhấn mạnh, trong quá trình ông làm Chủ tịch UBND thành phố, chính quyền nơi đây đã tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực chi thường xuyên, trong đó có cây xanh. Qua đó, UBND TP có thêm chi phí để đầu tư, gồm cả việc đầu tư cho các ngành tư pháp để cải cách theo tinh thần Nghị quyết 49.

Một trong số đó, theo ông Chung là việc dùng tiền tiết kiệm nêu trên để xây trụ sở một số cơ quan Nhà nước, trong đó có trụ sở TAND TP Hà Nội - nơi đang xét xử ông và trụ sở Viện kiểm sát...

Đối với cáo buộc dùng phương thức đặt hàng để trồng cây thay vì đấu thầu, ông Chung cho rằng, hình thức đặt hàng sẽ tránh được tình trạng cây chết trong các dự án qua đấu thầu; đặt hàng sẽ trồng cây được theo mùa và trồng vào ban đêm...

Trình bày thêm, ông Chung cho biết, khi bắt đầu khởi tố vụ án cây xanh, bản thân bị cáo cảm thấy rất buồn, bởi dự án đã được Hội đồng giải thưởng Bùi Xuân Phái trao tặng giải thưởng danh dự. Đây là một chương trình ý nghĩa, không gây thiệt hại mà mang lại rất nhiều giá trị.

"Tôi luôn nhắc nhở anh em rằng giá trị như vậy thì cần cố gắng trồng tiết kiệm, nhưng tôi không thể nghĩ là họ lại bắt tay nhau nâng khống giá để chia nhau", ông Chung bày tỏ.

Trước sai phạm trên, cựu Chủ tịch Hà Nội nói, ngay khi làm việc với cơ quan điều tra ông nhận trách nhiệm là người đứng đầu thành phố; ông sẵn sàng bán nhà để bồi thường nếu bị buộc phải khắc phục hậu quả.

Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, cựu Chủ tịch Hà Nội cảm ơn cơ quan truy tố đã giảm bớt một số nội dung trong cáo trạng, kết luận điều tra và đặc biệt là quá trình tranh tụng, đã ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ với bị cáo.

"Để Thủ đô xanh, sạch như hôm nay có sự đóng góp lớn của các bị cáo thuộc công ty cây xanh. Họ đã giảm số tiền trồng cây so với giai đoạn trước nhưng hiệu quả tăng gấp 2 – 3 lần, góp phần tiết kiệm ngân sách thành phố. Do đó, tôi mong HĐXX xem xét, cho họ hưởng tinh thần của Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán, được mức án thấp nhất", ông Chung nói.

Về bản thân mình, ông Chung chua xót nói, việc trồng cây là một chương trình tốt đẹp nhưng cái kết khiến ông phải ra tòa. Quá trình bị giam, bố vợ ông đã qua đời và bố đẻ hiện nay đang tuổi cao sức yếu "khả năng không còn cơ hội báo hiếu". Vì vậy, ông rất mong được khoan hồng để sớm về chữa bệnh, còn mẹ già phải chăm sóc.

Ông Nguyễn Đức Chung sẵn sàng bán nhà khắc phục hậu quả, mong được khoan hồng - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Giám đốc doanh nghiệp gục ngã khi nghe đề nghị mức án

Trong khi đó, bị cáo Bùi Văn Mận (Giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh) khi nghe đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đã không đứng vững, gục ngã ngay tại phòng xét xử. Trong số 15 bị cáo, ông Mận là người có mức án đề nghị cao nhất, 8 - 9 năm tù giam.

Tự bào chữa, ông Mận cho hay bản thân không hiểu biết về pháp luật cho nên mới xảy ra cơ sự. Bị cáo được giao nhiệm vụ trồng cây, với mong muốn làm Thủ đô xanh đẹp như Singapore và cố gắng đạt giải Nobel.

Theo cựu Giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh, bản luận tội của Viện Kiểm sát không đúng với thực tế, bởi tuyến đường ông ta được giao trồng cây phải thực hiện trồng nhiều lần. Sau khi trồng xong, trâu bò lại phá, bị cáo phải tự bỏ tiền ra mua hàng rào, dây thép và thuê bảo vệ xua đuổi gia súc.

"Cho nên 34 tuyến đường của TP, tính ra là hàng loạt cây phải trồng lại chứ không ít. Mấy năm trời bị cáo không có tiền mua xe, phải thuê taxi đi chỉ đạo. Có những lúc thuê công tiền công nhân gấp mấy lần... Bị cáo không vụ lợi để nâng khống với bất cứ ban, sở, ngành nào. Bị cáo chỉ biết trồng cây sao cho tốt. Bị cáo thấy quá là nhục nhã!", ông Mận buồn rầu.

Nói lời sau cùng, ông Mận cùng 13 bị cáo còn lại đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Tòa sẽ tuyên án sơ thẩm vào 15h ngày 28/8!