Ông Hồ Đức Phớc: 'Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó'

11/05/2023 16:06

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, phân bổ vốn đầu tư công cho các địa phương gặp khó khi rơi vào tình trạng "người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn".

Sáng 11/5, trong khuôn khổ phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do nhiều nguyên nhân từ điều hành cho đến quy định pháp luật nên việc giải ngân vốn của chương trình tại các địa phương rất chậm.

Dẫn ví dụ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo 40 triệu đồng/hộ, ông Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang băn khoăn việc này thuộc đầu tư công hay chi thường xuyên.

Ông Hồ Đức Phớc: 'Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

" Theo tôi, đây là khoản chi thường xuyên được bố trí từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chi đầu tư công. Nếu chi đầu tư công phải có chủ đầu tư, phải có chủ quản đầu tư, phải lập dự án. Làm nhà cho các hộ dân thì ai lập dự án, ai tổ chức thi công, ai đấu thầu... cái này đang vướng ", Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm.

Ông Hồ Đức Phớc nhìn nhận cùng với quá trình điều hành thì vấn đề hoàn thiện pháp luật cũng rất quan trọng. Bộ trưởng đề xuất liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phải phân bổ vốn về cho các địa phương, sau đó sẽ giám sát việc chi tiêu ngân sách.

" Chỉ nên phân bổ và hướng dẫn nội dung chi tiêu, còn lại phân bổ một cục về cho các tỉnh tổ chức làm, sau đó kiểm tra. Chứ trên này phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được. Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó ", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về ngân sách vượt thu ngân sách, tại sao ở địa phương lại không dành 50% tiền tăng thu cho tiền lương mà lại 70%, Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương quy định nguồn ngân sách Trung ương là phải trích 40% để dành làm quỹ lương, ngân sách địa phương thì phải dành 70% để dành làm quỹ lương.

Vì vậy, theo ông Hồ Đức Phớc, có những năm ngân sách sẽ vượt thu rất cao nhưng sẽ có những năm ngân sách sẽ hụt thu hoặc sẽ không hụt thu nhiều.

" Cho nên vấn đề chủ động và điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương là rất cần thiết. Bởi lâu nay chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương hay nói cách khác là chưa nâng lương và từ ngày 1/7 mới nâng lương cơ sở ", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói thêm.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua báo cáo và các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tình trạng lãng phí còn vi phạm sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công.

Ông Hồ Đức Phớc: 'Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó' - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, gần đây nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước; thủ tục về phòng cháy chữa cháy ban hành đột ngột ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu thời điểm báo cáo của Chính phủ; đồng thời bám sát các chủ trương, các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để viết báo cáo có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá rõ về chuyển biến nhận thức hành động, nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó yêu cầu nêu giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa...