Nuối tiếc ly cung Trần Hồ
30/01/2022 12:05
(NLĐO)- Dù được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đã 25 năm, thế nhưng ly cung Trần Hồ chưa một lần được quan tâm đầu tư, tôn tạo xứng tầm với giá trị.
Nơi từng là ly cung Trần Hồ - một di tích lịch sử có giá trị văn hóa bi lãng quên hàng chục năm qua
Dấu tích của một kinh thành thu nhỏ
Theo sử sách ghi lại, cung Bảo Thanh được Hồ Quý Ly đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng thành Tây Đô (Thành Nhà Hồ ngày nay). Những năm tháng này, cung Bảo Thanh trở thành tổng hành dinh chống ngoại xâm và là nơi đàm luận việc quân cơ của vua tôi nhà Trần.
Ly Cung được chọn và đặt ở một vị trí khá đẹp về mặt phong thủy. Ly cung tựa núi Kim Âu, hai bên tả, hữu là một hệ thống đồi, núi, cao nhất là núi Ca Để (350 m), tạo thế tay ngai. Trước mặt là sông Lèn (đoạn chảy qua vùng này trước đây có tên là sông Đại Lại), gặp sông Mã ở phía Tây và chảy ra biển ở cửa Thần Phù. Xa hơn, chừng hơn 10 km ở mạn Bắc là hệ thống núi đá vôi Tam Điệp, cửa ngõ của xứ Thanh thời bấy giờ. Từ cửa Bắc muốn vào Nam qua chặng này bằng đường bộ không còn cách gì khác là len lỏi qua những đèo, những thung... Từ ly cung, muốn ngược lên phía Tây chỉ có thể đi bằng đường thủy theo sông Lèn hoặc sông Đào.
Từng được ví như là một Thăng Long thu nhỏ, thế nhưng tất cả chỉ còn là phế tích
Ngoài ra, ly cung có 4 mặt án ngữ bằng 4 quả núi lớn: Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, và phía Nam có núi Đốn Sơn. Con đường nối giữa Thành Nhà Hồ đến ly cung chủ yếu bằng đường sông Bưởi chảy từ phía Đông tới hội tụ với sông Mã ở phía Tây chảy qua.
Thời gian xây dựng ly cung chính xác vào khi nào, trong bao lâu đến nay chưa tìm thấy cứ liệu lịch sử để chứng minh nhưng theo phỏng đoán Hồ Quý Ly cho xây dựng ly cung sớm hơn Thành Nhà Hồ 1-2 năm là do từ trước Hồ Quý Ly muốn xây dựng sự nghiệp đế vương ở một nơi ở mới trước khi chiếm ngôi vua.
Ông Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông, cho biết theo sử sách, quy mô của ly cung lúc bấy giờ phải đến hơn vài chục ha. "Những phần di tích còn sót lại lúc này cho thấy ly cung không chỉ có phần chính điện, sân và chùa Phong Công mà còn có hệ thống thành lũy được đắp cao ở ba mặt. Phía sau của ly cung còn có hệ thống dẫn nước từ trên núi xuống gọi là Xạ để phục vụ hậu cung và người dân vùng lân cận"- ông Vĩnh kể.
Cũng theo ông Vĩnh, ly cung đã bị phá khi giặc Minh xâm lược nước ta, đến năm 1942, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhân chuyến đi qua vùng Lèn (Hà Trung) đã phát hiện ra phế tích kiến trúc cũ đổ nát. "Năm 1979, sau nhiều đợt thám sát, khai quật quy mô lớn, các nhà khảo học mới tìm ra và khẳng định đây chính là ly cung Trần Hồ. Từ đó, trong các năm 1979 - 1985, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật làm 4 đợt và phát hiện nhiều phế tích có giá trị lớn về mặt khoa học, giúp cho việc trùng tu tôn tạo sau này"- ông Vĩnh chia sẻ.
Trong khu di tích chỉ còn lại một tấm bia đá
Bao giờ mới được quan tâm xứng tầm
Theo báo cáo ghi chép lại, qua những lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy kiến trúc hoàng cung với hàng đá xanh bó móng được gia công thành những khối vuông vức, đầu tiếp giáp có lỗ đổ cá bằng chì, liên kết với nhau thành một khối. Bên ngoài hàng đá xanh bó nền là hàng gạch hoa bó vỉa bao quanh, điểm ngoài kế tiếp có hàng gạch bìa xếp đứng. Trên nền chính điện còn sót lại những tảng đá như một minh chứng về sự đồ sộ của ly cung…
Trong số các di tích còn sót lại thì chỉ có tấm bia đá lớn được khắc bằng đá xanh, trên bia khắc chữ Hán do ông Lê Tương Dực, một vị quan nhà Lê, năm Hùng Thuận Thứ 3 ghi lại. Ngoài ra còn có ngôi nhà thờ được người dân xây dựng từ năm 1997 nay đã xuống cấp và rất nhiều tảng đá móng, ngói vỡ và gạch lát còn vương vãi khắp nơi.
Khu vực được xem là chính điện được người dân dựng tạm để lấy nơi thờ cúng
Với ý nghĩa lịch sử to lớn từ những tàn tích còn sót lại, năm 1997, ly cung Trần Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ khi công nhận đến nay, đã 25 năm trôi qua, di tích này vẫn đang bị lãng quên, chưa được quan tâm đầu tư tôn tạo xứng tầm.
Ghi nhận thực tế cho thấy toàn bộ ly cung hiện nay chỉ có một ngôi nhà thờ nhỏ 2 gian, một nhà che tấm bia đá và tường bao xung quanh, còn toàn bộ ly cung chỉ là một bãi đất trống, cỏ lau mọc um tùm. "Di tích trước đây không có tường bao, gia súc thường vào đây phá hoại nên nhân dân địa phương đã góp tiền làm tường rào. Tấm bia trước đây cũng bỏ nắng mưa, xuống cấp, năm 2004 cũng được huyện Hà Trung hỗ trợ số tiền 70 triệu đồng để xây dựng nhà che"- người trông coi ly cung cho hay.
Ông Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông, mong muốn di tích sớm được trùng tu xứng tầm
Theo ông Phạm Văn Vĩnh, đây là di tích có giá trị lịch sử rất lớn, nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi năm công trình thêm hoang phế. "Địa phương đã nhiều lần có kiến nghị về việc nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng, trùng tu, phục dựng lại di tích. Đây không chỉ là mong mỏi của địa phương mà của tất cả nhân dân xã Hà Đông"- ông Vĩnh bày tỏ.