Nhân viên Apple làm gì vào ngày mở bán iPhone 16?

08/10/2024 12:45

Đối với các nhân viên của Apple, ngày ra mắt iPhone là một trong những sự kiện được mong đợi nhất và cũng mệt mỏi nhất trong cả năm.

Khách hàng xếp hàng bên ngoài Orchard Road Apple Store để mua iPhone 16 vào ngày 20/9. Ảnh: Straits Times.

Câu chuyện được chia sẻ bởi một cựu nhân viên Apple Store dành hơn 5 năm làm việc tại cửa hàng Apple Store ở khu vực Dallas-Forth Worth. Anh bắt đầu làm việc cho Apple với tư cách là nhân viên bán hàng cấp thấp nhất vào năm 2016 và sau một vài năm, đã nỗ lực vươn lên trở thành người lãnh đạo của Genius Bar.

Khâu chuẩn bị bắt đầu từ 1 tuần trước

Gần đây, anh đã chia sẻ với Business Insider góc nhìn hậu trường vào ngày ra mắt iPhone. "Quá trình chuẩn bị cho ngày ra mắt thường bắt đầu khoảng một tuần trước đó. Chúng tôi nhận được một pallet iPhone mới, nhưng chúng được giữ kín dưới sự giám sát của quản lý cho đến đêm trước ngày ra mắt”, cựu nhân viên giấu tên kể lại.

Trong suốt khoảng thời gian này, Apple luôn thực hiện các quy tắc bảo mật nghiêm ngặt để đảm bảo rằng không có chi tiết nào bị rò rỉ trước khi sản phẩm chính thức công bố. Các nhân viên phải giao nộp điện thoại di động, Apple Watch, máy tính và không được phép rời khỏi cửa hàng mà không có sự giám sát.

“Chúng tôi không bị bắt làm con tin hay gì cả, nhưng mọi thứ cực kỳ bí mật mặc dù mọi người đều biết chuyện gì sắp xảy ra”, cựu nhân viên nói.

Nhan vien mo ban iPhone anh 1

Hơn 100 người xếp hàng bên ngoài Orchard Road Apple Store lúc 6h10 ngày 20/9. Đến 8h30, gần 300 người đã có mặt ở đó. Ảnh: Straits Times.

Công việc buổi đêm bắt đầu lúc 22h. Nhân viên sẽ phải dành cả đêm để dọn hết các thiết bị cũ trong cửa hàng và cập nhật những thiết bị mới. "Không chỉ đơn giản là thay thế thiết bị cũ. Đôi khi chúng tôi phải xử lý các bộ sạc và phụ kiện mới, nên cần phải luồn dây lại dưới bàn và ngắt kết nối các thiết bị được liên kết với chuông báo động an ninh của cửa hàng”, cựu nhân viên chia sẻ.

Ưu tiên của Apple là đảm bảo ấn tượng đầu tiên về iPhone mới phải đến từ khách hàng thực sự, chứ không phải từ nhân viên. "Chúng tôi không được chụp ảnh, ghi hình hay thậm chí kiểm tra thiết bị. Họ muốn mọi thứ đều là bất ngờ với khách hàng khi họ cầm trên tay chiếc điện thoại mới”, người này cho biết.

Ca làm việc thường kéo dài đến 6-7h sáng hôm sau, chỉ vài giờ trước khi khách hàng bắt đầu xếp hàng bên ngoài cửa hàng.

Ai cũng là nhân viên bán hàng

Nếu lãnh đạo cho phép, các nhân viên trực ca đêm có thể nán lại thêm vài giờ đầu tiên để hỗ trợ buổi mở bán đầu tiên nếu không quá mệt. Thông thường, mọi người đều về nhà sau đó. Nhưng nhân viên giấu tên nói chuyện với Business Insider là một trong số ít những thành viên Genius Bar ở lại và phụ trách phần sửa chữa thiết bị trong ngày ra mắt.

Các vấn đề kỹ thuật và sửa chữa chỉ được xử lý nếu có đặt hẹn trước và chỉ tiếp nhận các trường hợp đặc biệt như điện thoại hoàn toàn không thể sử dụng.

Với những người còn lại trong nhóm kỹ thuật, đó là ngày hiếm hoi trong năm họ nhận được thông báo: "Bạn không còn ở bộ phận kỹ thuật nữa. Bây giờ bạn là nhân viên bán hàng”.

Tại Apple Store những ngày này, có 2 nhóm khách hàng riêng biệt. Một là những người đã quyết mua iPhone mới bằng mọi giá. Hai là những người tình cờ đến sau ngày ra mắt và muốn dùng thử để xem điện thoại mới có đáng mua không.

Cách Apple tạo sự hào hứng cho ngày ra mắt là cam kết giữ bí mật. Theo Mark Gurman từ Bloomberg, Apple đã lên lịch một cuộc họp bắt buộc cho tất cả nhân viên bán lẻ vào ngày 12/9, trước khi ra mắt iPhone 16.

Cuộc họp vào giữa tuần gần như chắc chắn là để hoàn thiện quy trình trong cửa hàng để sẵn sàng cho ngày ra mắt.

Nhan vien mo ban iPhone anh 2

Apple Fifth Avenue ở New York vào ngày mở bán iPhone 16. Ảnh: Retail Archive.

Các cửa hàng Apple được tân trang vào đêm trước khi sản phẩm mới ra mắt, như treo các tài liệu quảng cáo mới và cập nhật các thiết bị trưng bày. Toàn bộ quá trình được lên kế hoạch cẩn thận để tạo ra ấn tượng tối đa khi cửa hàng mở cửa cho khách hàng vào sáng hôm sau.

Khi Apple chuẩn bị ra mắt iPhone 16, một trong những tính năng chính thu hút sự chú ý của cả người tiêu dùng và nhân viên là sự tích hợp của Apple Intelligence, công nghệ AI mới của công ty. "Cơn sốt AI là có thật trong toàn ngành. Tôi không ngờ Apple lại tập trung vào AI mạnh mẽ đến vậy”, cựu nhân viên nói với Business Insider.

Thông thường, Apple mất vài năm để phát triển phần mềm mới nhằm đảm bảo rằng mình đã làm đúng. “Nhưng Apple luôn làm tốt trong mảng phần mềm, vì vậy động thái đẩy mạnh AI này hoàn toàn đúng với hướng đi của hãng", cựu nhân viên khẳng định.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Bạn đang đọc bài viết "Nhân viên Apple làm gì vào ngày mở bán iPhone 16?" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.