Điều này chứng tỏ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhất là việc người tham gia giao thông đang dần quen với việc kiểm tra nồng độ cồn tại các chốt được lập trên khắp tuyến đường.
Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội về vấn đề này.
PV : Thưa Đại tá Trần Đình Nghĩa, qua 3 tháng thực hiện cao điểm xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, nhìn chung ý thức của người dân Thủ đô được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, việc xử lý vi phạm cũng không hề dễ dàng. Vậy Đại tá có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà lực lượng thực thi nhiệm vụ thường gặp phải?
Đại tá Trần Đình Nghĩa : Trong quá trình triển khai lực lượng cũng gặp phải các trường hợp các lái xe sử dụng chất kích thích hoặc nồng độ cồn có những thái độ, lời lẽ, cử chỉ không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng thực thi nhiệm vụ, lăng mạ, chửi bới, thậm chí sỉ nhục lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Để nâng cao ý thức và trở thành văn hóa của người dân khi tham gia giao thông, đảm bảo hạn chế tối đa vi phạm hành chính trở thành vi phạm hình sự, chúng tôi khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông gặp phải lực lượng chức năng kiểm tra thì cần bình tĩnh, lắng nghe sự trao đổi về thông tin của lực lượng chức năng, người tham gia giao thông không nên có những lời nói, cử chỉ, hành động hay thái độ khiếm nhã với lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Lực lượng chức năng hay người vi phạm cần có thái độ văn hóa để giao tiếp với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không để vi phạm hành chính chuyển thành vi phạm hình sự.
PV : Rõ ràng, việc kiểm tra nồng độ cồn đang cho thấy sự hiệu quả trong việc ngăn chặn TNGT, đảm bảo tính răn đe và thượng tôn của pháp luật với nguyên tắc “không ngoại lệ, không vùng cấm,” kiên quyết từ chối sự can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Liệu kế hoạch này sẽ được duy trì đến khi nào, thưa đại tá?
Đại tá Trần Đình Nghĩa: Hiện nay dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước nói chung cũng như CSGT Hà Nội nói riêng thực hiện kế hoạch kiểm tra xử lý người điều khiển, tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn, rượu bia và chất kích thích.
Đây là chỉ đạo xuyên suốt, không có hồi kết, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
PV : Xin trân trọng Đại tá !./.