Một báo cáo mới từ RBC tuyên bố Intel và AMD đã "thông báo bằng lời nói cho các nhà sản xuất Nga" rằng cả hai công ty đang tuân thủ lệnh cấm cung cấp bộ vi xử lý cho Nga. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 3/3 tới, mặc dù báo cáo của RBC cho thấy Intel và AMD đã ngừng cung cấp từ thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, theo RBC, các đối tác ở Trung Quốc đã được văn phòng địa phương của Intel thông báo về lệnh cấm cung cấp bộ vi xử lý cho Nga.
Thông tin này phù hợp với các lệnh trừng phạt gần đây do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ (OFAC) áp đặt. Báo cáo của RBC đã xác nhận thêm tin tức với "đại diện của Hiệp hội các nhà phát triển và nhà sản xuất điện tử Nga (ARPE)."
Người phát ngôn của Intel tại Nga đã tuyên bố "công ty đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt hiện hành và các quy định kiểm soát xuất khẩu, bao gồm các lệnh trừng phạt mới do OFAC áp đặt và các quy tắc do BIS ban hành". BIS là Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nếu chính xác, điều quan trọng cần lưu ý là lệnh cấm vận chuyển chip của Intel và AMD đến Nga không liên quan đến "thiết bị liên lạc của người tiêu dùng", bao gồm máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số... Thay vào đó, lệnh cấm nhập khẩu và bán các bộ xử lý chỉ áp dụng đối với việc sử dụng công nghiệp của các công ty tư nhân, các tổ chức chính phủ hoặc những người bị chính phủ Hoa Kỳ ghi rõ ràng, "bao gồm tổng thống, thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng liên bang, đại biểu Duma quốc gia và thành viên Hội đồng Liên đoàn, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập các cơ quan truyền thông nhà nước."
AMD cũng lên tiếng ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga.
Hệ quả đáng lo ngại của lệnh trừng phạt
Về cơ bản, lệnh cấm này có thể gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế Nga về lâu dài vì các công ty của nước nafyy sẽ không thể nâng cấp, thay thế hoặc mở rộng việc sử dụng máy chủ cho lĩnh vực điện toán đám mây và lưu trữ dữ liệu. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc sử dụng các "siêu máy tính" để xử lý các loại dữ liệu nặng. Tất nhiên, sẽ có ngoại lệ nếu các công ty nộp đơn xin và được chấp thuận cấp giấy phép xuất khẩu, nhưng quá trình đó có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc lâu hơn.
Điều thú vị là Nga cũng có một ngành chip đang tự phát triển của riêng mình, điển hình như việc tự xây dựng CPU máy chủ MCST Elbrus-8C. Tuy nhiên, nó vẫn bị các nhà phê bình đánh giá là "rất yếu", đặc biệt khi so với bộ vi xử lý Xeon 'Cascade Lake' của Intel. Hơn nữa, giống như nhiều công ty làm về vi xử lý khác, Trung tâm Công nghệ SPARC (MCST) ở Moscow không sản xuất chip mà thay vào đó chỉ thiết kế chúng.
Còn TSMC của Đài Loan, xưởng đúc chip lớn nhất thế giới, nơi biến các bản thiết kế thành sản phẩm, đã lưu ý trong một báo cáo của Reuters rằng họ sẽ tuân thủ các quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới đối với Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, xưởng đúc chip này vẫn chưa chính thức thông báo với chính quyền Nga rằng họ sẽ chặn việc sản xuất các bộ vi xử lý của Nga.
Nếu lệnh cấm có hiệu lực, Nga vẫn còn những con đường tắt khác để mua các linh kiện vi xử lý. Đi qua Trung Quốc dường như là con đường rõ ràng nhất, đặc biệt là khi cả hai nước đều có một liên minh chiến lược chặt chẽ. Tuy nhiên, ngay cả khi thông qua các kênh mới và tận dụng các hoạt động tái xuất, giá của các thành phần như vậy có thể tăng lên 30%, theo RBC.
Ngoài ra, sự tách biệt giữa việc sử dụng thiết bị tiêu dùng và công nghiệp vẫn chưa rõ ràng, như với các máy tính lắp ráp sẵn. Và Hoa Kỳ từ xưa tới nay vẫn không thiếu cách để điều hướng các lệnh trừng phạt của mình.
Còn NVIDIA, một trong những nhà cung cấp GPU quan trọng và lớn nhất thế giới cho cả các dịch vụ dân dụng, AI và sử dụng trong công nghiệp, cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận nào về các quy định mới của BIS. Những lời kêu gọi tương tự đối với việc Microsoft cấm xuất khẩu phần mềm sang Nga cũng đã được đưa ra, nhưng công ty này cũng chưa đưa ra bình luận nào cho đến nay.
Tham khảo windowscentral
https://soha.vn/my-tung-don-trung-phat-linh-vuc-chip-cua-nga-amd-va-intel-ngay-lap-tuc-dung-ra-ung-ho-20220228115453494.htm