Chiều 24-2, tại họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, đã thông tin kỹ về việc bán và sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 trên địa bàn TP HCM.
Mở chiến dịch bảo vệ trẻ em
Thông tin về việc sử dụng thuốc Molnupiravir khi mới đây Bộ Y tế cấp phép cho 3 công ty dược sản xuất và bán đại trà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực cùng các công ty dược để hoàn thành cấp phép sản xuất thuốc và thống nhất giá bán đưa ra thị trường.
Theo hệ thống giám sát của ngành y tế, những ngày qua các ca mắc mới Covid-19 tăng cao hơn so với trước Tết, đặc biệt F0 là trẻ em có xu hướng tăng trong những ngày tới. Lý giải nguyên nhân, theo bà Mai, do vừa trải qua dịp Tết, mật độ giao lưu tăng, khả năng lây nhiễm cao, đồng thời sau Tết học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đặc biệt, qua nghiên cứu, khảo sát, ngành y tế ghi nhận hiện nay số ca mắc Covid-19 mang biến thể Omicron chiếm ưu thế.
2 loại thuốc có hoạt chất Molnupiravir được bán trên thị trường hiện nay có giá 250.000 đồng/hộp/liệu trình
Thông tin về số ca mắc Covid-19 tăng ở trẻ em thời gian qua, bà Mai cho biết thành phố đã có kế hoạch như họp chuyên gia về nhi khoa xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị khi trẻ mắc bệnh tăng; xây dựng những kịch bản phối hợp để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm không bị động khi số ca mắc tăng, sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ mắc Covid-19. Sắp tới, Sở Y tế tiếp tục tham mưu thành phố về chương trình bảo vệ nhóm người nguy cơ là trẻ em.
Hiện TP HCM có 3 bệnh viện nhi, là bệnh viện đầu ngành của thành phố và của cả nước với 450 giường, trong đó có 150 giường ICU. "Qua phân tích này, mặc dù số ca tăng nhưng 90% phụ huynh cũng như học sinh mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã xây dựng kịch bản khi ca mắc tăng, ưu tiên cho trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Nếu số ca tăng theo kịch bản, thành phố sẽ huy động các bệnh viện khác để tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Gặp khó khi bán thuốc Molnupiravir
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện nay, các sản phẩm thuốc kháng virus đang có ở cửa hàng bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố. "Đây là thuốc đặc biệt phải thực hiện theo kê đơn, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh mới được sử dụng chứ không phải test dương tính với SARS-CoV-2 là có thể mua thuốc uống. Do đó, để giải quyết khâu này, Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế xin hướng dẫn về việc kê đơn cho bệnh Covid-19 và thời gian tới, bộ sẽ có hướng dẫn để cung cấp thuốc cho người dân" - bà Mai nói.
Với thông tin này, nhiều phóng viên thắc mắc về việc trong ngày 24-2, một số nhà thuốc tại TP HCM đã chính thức bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19? Bà Mai cho biết Sở Y tế sẽ thanh tra, kiểm tra và nhắc nhở. "Việc quản lý thuốc chặt chẽ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dùng, đặc biệt tránh tình trạng sử dụng thuốc không đúng chỉ định dẫn đến kháng thuốc. Nếu kháng thuốc sẽ khiến quá trình điều trị khó khăn và ảnh hưởng tới "vũ khí" cuối cùng chống lại Covid-19" - bà Mai nhấn mạnh.
Thông tin thêm về tình hình ca mắc Covid-19 ở trẻ tăng, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP HCM - cho biết trong những ngày qua, số ca trẻ em mắc Covid-19 tăng cao, cụ thể từ ngày 14 đến 21-2 tăng gấp 3 lần so với tuần từ ngày 7 đến 13-2. "Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, đến gia đình và đến quá trình học tập của trẻ. Do đó, chúng ta phải cùng nhận thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng trẻ em là trên hết" - ông Hải nhấn mạnh.
Thông báo lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc
Theo Bộ Y tế, 3 loại thuốc sản xuất trong nước có hoạt chất Molnupiravir được chỉ định điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Về liều dùng, liều khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800 mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.
Cục Quản lý dược yêu cầu các Sở Y tế giao cơ sở điều trị thông báo cho bệnh nhân lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị Covid-19. Đồng thời phối hợp với các cơ sở điều trị theo dõi, giám sát, phát hiện, xử trí các trường hợp gặp phản ứng có hại của thuốc về trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại Hà Nội hoặc TP HCM và có trách nhiệm theo dõi, cập nhật và báo cáo về Cục Quản lý dược.
N.Dung