Theo quy định, thuốc Molnupiravir phải có đơn do bác sĩ kê nhưng tại TP Hà Nội, một số nhà thuốc đã linh động hơn trong việc bán loại thuốc này cho người mắc Covid-19.
Trình video test dương tính để mua thuốc
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại TP Hà Nội liên tục tăng cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 1-3 đến 18 giờ ngày 2-3, TP Hà Nội ghi nhận 15.114 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 5.476 ca cộng đồng, 9.638 ca đã cách ly.
Chị Đặng Bích Diệp (ngụ quận Hoàng Mai) cho biết mẹ chị 72 tuổi bị mắc Covid-19 và có nhiều bệnh nền như: đái tháo đường, tim mạch, huyết áp nên phải uống thuốc kháng virus sớm. Khi chị ra phường thông báo để nhận thuốc miễn phí, nhân viên y tế báo thuốc không còn nên chị phải chạy ra nhà thuốc mua. Vì yêu cầu phải có đơn thuốc của bác sĩ mà mẹ chị lại đang là F0 nên chị Diệp nhờ một bác sĩ kê đơn, chụp lại ảnh rồi gửi cho chị.
"Dù có đơn thuốc của bác sĩ nhưng do là đơn thuốc chụp ảnh, không phải viết tay nên giải thích mãi nhân viên nhà thuốc mới đồng ý bán thuốc cho. Sau khi dùng thuốc, hiện sức khỏe của mẹ tôi đã ổn định" - chị Diệp cho biết.
Người dân Hà Nội xếp hàng mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 tại nhà thuốc trong bối cảnh số ca FO liên tục tăng Ảnh: NGỌC DUNG
Xuất hiện hàng loạt triệu chứng khó chịu sau một ngày có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, ông Trần Văn Kiên (52 tuổi, ngụ quận Đống Đa) đã cầm que test "2 vạch" đi mua thuốc kháng virus Molnupiravir. Tuy nhiên, tại cửa hàng thuốc F., nhân viên đề nghị ông Kiên phải có đơn thuốc bác sĩ kê hoặc quay video thực hiện việc test nhanh tại nhà, làm cơ sở để mua thuốc. Về nhà, thực hiện video lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính, ông Kiên quay lại nhà thuốc và mua được 1 hộp Molnupiravir với giá 250.000 đồng.
Để gỡ khó cho người dân trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhân viên một nhà thuốc cho biết ngoài đơn thuốc do bác sĩ chỉ định Molnupiravir, giấy xác nhận F0 (giấy xác nhận test nhanh, test PCR của các cơ sở y tế), người dân có thể tự quay video quá trình xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà gửi cho nhà thuốc để làm căn cứ mua thuốc. Nhân viên nhà thuốc sẽ lưu trữ video cùng các giấy tờ liên quan, nếu có vào hệ thống cùng thông tin của bệnh nhân đồng thời cũng tránh việc một người mua nhiều liệu trình.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số nhà thuốc ở Hà Nội khá linh động bán thuốc kháng virus Molnupiravir cho người dân. Chị Phạm Hằng, nhân viên một nhà thuốc, cho biết hầu hết người đi mua thuốc Molnupiravir do người thân mắc Covid-19 hoặc dự phòng cho bố mẹ là người cao tuổi lại có bệnh nền, còn những người trẻ hầu hết ngại dùng thuốc vì sợ phản ứng phụ.
"Nhiều người bạn của tôi không mua thuốc được ở nhà thuốc thì họ cũng tìm nguồn khác để mua. Giá thị trường tương đương giá nhà thuốc hoặc cao hơn một ít nhưng người dân vẫn chấp nhận. Một số người cho biết họ cũng nghe nhiều về những phản ứng của thuốc nên nếu phải dùng cũng rất thận trọng" - chị Hằng nói.
Tại TP HCM, ngay sau khi thuốc Molnupiravir được phép bán ra thị trường, rất nhiều người đến nhà thuốc tìm mua nhưng lại về tay không bởi theo quy định của Bộ Y tế, việc mua và sử dụng thuốc Molnupiravir phải có giấy chứng nhận là F0 hoặc có toa thuốc của bác sĩ.
Hiện nay, tình trạng người dân tự test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 rất nhiều. Một số người đã tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế địa phương nên không có giấy xác nhận F0 từ cơ quan chức năng. Họ chấp nhận bỏ số tiền gấp đôi để mua cho được hộp thuốc Molnupiravir với giá bên ngoài gấp 2-3 lần giá nhà thuốc.
Trước tình trạng này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết Sở Y tế TP vừa gửi công văn khẩn đến Bộ Y tế, đề nghị hướng dẫn về việc kê đơn thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19. Đây là loại bệnh truyền nhiễm nhóm A nên cần có hướng dẫn cụ thể để các nhà thuốc không bị vướng quy định "bán thuốc có điều kiện" mà người dân cũng dễ dàng mua được thuốc hơn.
Hai phương án cho Molnupiravir
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Molnupiravir là thuốc được cấp phép khẩn cấp, sử dụng trong điều kiện đặc biệt trong 3 năm. Trong thời gian này, Việt Nam vừa sử dụng vừa đánh giá thuốc, cân nhắc tiếp tục cấp phép hoàn toàn nếu thuốc đủ điều kiện. Việc sử dụng Molnupiravir phải theo dõi sát, cần bác sĩ kê đơn.
Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A được cấp phát miễn phí. Tuy nhiên, số lượng F0 không triệu chứng và nhẹ tăng cao, người dân có thể tự xét nghiệm để phát hiện bệnh và được điều trị tại nhà. Do đó, người dân cần thêm kênh tiếp cận thuốc kháng virus Molnupiravir.
Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir gồm: cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua.
Bộ Y tế đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan việc người dân tự mua thuốc. Việc này giúp người dân khi mắc Covid-19 có thể chủ động mua thuốc về điều trị tại nhà, theo đơn của bác sĩ. Tuy vậy, Bộ Y tế cũng lưu ý việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải được kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc vì nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gặp phản ứng phụ.
Đáp ứng không hạn chế số lượng
Trước đó, 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar, Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam đã được cấp phép sản xuất thuốc Molnupiravir. Những đơn vị này đã cung ứng thuốc Molnupiravir tới các đơn vị bán lẻ thuốc trên toàn quốc.
Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar, cho biết thuốc Covid-19 mà công ty sản xuất là loại thuốc gốc Molnupiravir 200 mg (được quốc tế công nhận). Thuốc Molnupiravir sản xuất hiện đã có mặt trong hệ thống nhà thuốc trên địa bàn TP HCM và toàn quốc với giá bán lẻ đã đăng ký với Cục Quản lý dược là 8.654 đồng/viên.
"Với 2 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP-WHO và GMP-WHO - Nhật Bản đặt tại quận 11 và Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) công suất 4 tỉ viên/năm (các loại thuốc), chúng tôi hoàn toàn đáp ứng đủ thuốc Molnupiravir cho nhu cầu của người dân" - dược sĩ Lan thông tin.
Về việc cung ứng thuốc Molnupiravir, một chuyên gia y tế tại Hà Nội cho rằng sắp tới, khi nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất loại thuốc này, giá thuốc sẽ còn giảm tiếp, thậm chí thấp hơn mức giá 250.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/liệu trình đang được bán tại nhà thuốc như hiện nay. Vì thế cần sớm có hướng dẫn cũng như cơ chế phân phối, cấp phát đến F0 linh hoạt hơn để tạo thuận lợi cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.
Số F0 tăng nhanh với 110.301 ca
Bộ Y tế cho biết ngày 2-3, cả nước ghi nhận thêm 110.301 ca mắc Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố, tăng hơn 11.500 ca so với ngày trước đó.
TP Hà Nội có số ca mắc nhiều nhất với hơn 15.100 ca. Các tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ninh, Sơn La, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định đều ghi nhận từ 3.000 đến hơn 4.000 ca nhiễm mới. Cùng ngày, các tỉnh Nam Định, Bắc Giang và Thái Nguyên đăng ký bổ sung hơn 41.500 ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm trong đó có 40.452 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng số ca mắc. Những ngày qua, số ca tử vong có xu hướng gia tăng nhất là ở các tỉnh, thành có số ca mắc tăng cao.
Trong ngày, có 36.902 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.516.785 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là gần 4.000 ca. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 195,3 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc điều trị Covid-19
Ngày 2-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về phản ánh của báo chí liên quan thủ tục mua thuốc phòng chống Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; cắt giảm ngay thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị Covid-19.
Trước đó, báo chí phản ánh từ khi thuốc Molnupiravir chính thức lên kệ ở các cửa hàng dược phẩm, người mua được không nhiều. Lý do là người dân không đáp ứng đủ quy định như phải có giấy xác nhận F0, có đơn thuốc do bác sĩ ký tên...
B.Trân
Khuyến cáo khi dùng Molnupiravir
Trong cập nhật hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 mới nhất, Bộ Y tế khuyến cáo Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng trước hoặc sau khi mắc Covid-19 hoặc điều trị khởi đầu cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Liều dùng là 800 mg/lần, uống 2 lần/ngày.
Loại thuốc này cũng được khuyên không sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính của thuốc trên thai nhi, trên xương, sụn. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cảnh báo thuốc có thể ảnh hưởng đến tinh trùng nên nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Đáng chú ý, Bộ Y tế nhấn mạnh không dùng thuốc Molnupiravir cho người không có triệu chứng bệnh, cũng như không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm hoặc khi không có triệu chứng. Trong hướng dẫn, Bộ Y tế bổ sung cho phép sử dụng thuốc Remdesivir cho trẻ em dưới 12 tuổi theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em.