Lý do số điện thoại xưng 'Cục Viễn thông' đòi khóa SIM người nghe

18/11/2022 12:15

Với kịch bản liên tục thay đổi, kẻ xấu tìm cách lấy tiền, đánh cắp thông tin người dùng bằng cuộc gọi mạo danh tổ chức nhà nước.

Nhiều cuộc gọi rác được thực hiện với mục đích lấy thông tin hoặc lừa đảo người nghe máy. Ảnh: Phúc Thịnh.

Thời gian gần đây, nhiều người dùng thuê bao di động nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, sau khi nhấc máy nghe tiếng như tổng đài tự động: “Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong 2 giờ. Bấm phím 1 để được hỗ trợ”.

Trong một số trường hợp khác, đầu dây xưng là "Cục Viễn thông", với nội dung dọa khóa SIM tương tự.

Sau khi bấm phím theo yêu cầu, “tổng đài viên” sẽ hướng dẫn người dùng gửi thông tin bao gồm họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, thậm chí yêu cầu chụp ảnh.

Lo bị khóa thuê bao, nhiều người nhanh chóng làm theo hướng dẫn của tổng đài viên, nhưng không nhận ra đó là trò lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

Kịch bản mới xuất hiện

Chia sẻ với Zing, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu từ dự án Chống lừa đảo cho biết đây là kịch bản mới xuất hiện khoảng 2 tháng nay. Kẻ lừa đảo sẽ dùng phần mềm tự động, hoặc gọi thủ công đến nạn nhân. Nội dung các cuộc gọi khá giống nhau, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, nếu không sẽ bị khóa thuê bao.

"Mục tiêu những kẻ này nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng hoặc chiếm đoạt tiền thông qua giao dịch chuyển khoản. Với thông tin của nạn nhân, chúng có thể tạo hồ sơ, căn cước giả để liên hệ nhà mạng, sau đó lấy cắp số điện thoại gắn với thẻ SIM bằng thủ tục đăng ký eSIM", ông Hiếu chia sẻ.

Cuoc goi rac lua dao anh 1

Một số kịch bản gọi điện lừa đảo phổ biến. Ảnh: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Đại diện Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thuộc Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết đây không chỉ là cuộc gọi rác mà còn có thể là chiêu trò thu thập thông tin cá nhân, phục vụ mục đích chiếm đoạt tài sản.

Theo đại diện VNCERT/CC, nguy cơ sẽ là lớn hơn với những người thường xuyên thực hiện các giao dịch trực tuyến, chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử. Từ thông tin cá nhân và thông tin tài khoản liên quan, kẻ xấu có thể lợi dụng chiếm đoạt tài sản qua nhiều hình thức khác nhau.

"Quy định của Bộ TT&TT yêu cầu khi chuyển SIM, khách hàng cần có mặt tại đại lý giao dịch. Tuy nhiên cũng có trường hợp với đầy đủ thông tin người dùng trong tay, kẻ xấu có thể tìm cách chiếm đoạt SIM", đại diện VNCERT/CC chia sẻ.

Nhắm mục tiêu từ trước

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu từ Chống lừa đảo, số nạn nhân ghi nhận trong thời gian qua từ thủ đoạn cuộc gọi rác không quá nhiều, có thể do người dùng đã được phổ biến kiến thức để phòng tránh các chiêu trò tương tự.

Dù vậy, nếu lừa đảo thành công, số tiền thu về thường khá cao, lên đến hàng trăm triệu hoặc vài tỷ đồng. Lý do đến từ việc kẻ lừa đảo đã tìm hiểu, nắm được thông tin của nạn nhân từ trước.

Cuoc goi rac lua dao anh 2

Một số điện thoại với đầu số cố định liên tục gọi điện, dọa khóa máy người dùng. Ảnh: LQ.

"Với khoản phí rất nhỏ, chúng có thể tìm thông tin danh tính, tài khoản mạng xã hội của một số điện thoại nhất định. Sau đó, kẻ lừa đảo xem các bài đăng trên mạng, thậm chí liên hệ ngân hàng để nắm số dư tài khoản, từ đó ước lượng khối tài sản của nạn nhân để nhắm mục tiêu", ông Hiếu nói thêm.

Theo ông Hiếu, kỹ thuật thực hiện cuộc gọi lừa đảo không quá khó, bằng cách sử dụng các công cụ trên Internet. Kẻ lừa đảo còn dùng app tạo đầu số giả của nước ngoài, với giá chỉ vài USD/tháng để liên lạc dù nơi gọi điện là Việt Nam. Ngay cả lời thoại cũng có thể tạo dễ dàng bằng phần mềm máy tính.

Người dùng cần tỉnh táo

Để bảo vệ bản thân trước các cuộc gọi lừa đảo, ông Hiếu cho biết người dùng cần bình tĩnh, không sợ hãi khi nhận cuộc gọi tự xưng cơ quan chức năng. Nếu có vấn đề cần giải quyết, các tổ chức sẽ cử đại diện hoặc gửi giấy đến nhà. Về việc khóa thuê bao, nhà mạng thường gửi tin nhắn đơn giản, hoặc khóa ngay chứ không gọi điện thông báo.

Theo khuyến nghị của VNCERT/CC, sau khi nhận các cuộc gọi như trên, người dùng thuê bao nên gọi đến tổng đài 156 để phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

“Bộ phận tiếp nhận sẽ chuyển tiếp khiếu nại cho VNCERT/CC và chúng tôi sẽ phối hợp với công an để điều tra”, đại diện VNCERT/CC cho biết. Người dân có thể khiếu nại qua tổng đài 156 ngay cả khi không có bằng chứng ghi âm cuộc gọi rác.

Trong trường hợp đã cung cấp thông tin, đặc biệt là các dữ liệu có liên quan đến các ứng dụng quản lý tiền, tài sản, người dùng cần thay đổi toàn bộ mật khẩu đăng nhập.

Cuoc goi rac lua dao anh 3

Một đầu số điện thoại của nước ngoài. Ảnh: CVT.

Nhờ có bảo mật 2 bước, thường là nhận tin nhắn chứa mã xác thực giao dịch, việc mất thông tin có thể chưa gây hại nghiêm trọng ngay nếu người dùng không tiết lộ các mã xác thực này, chuyên gia lưu ý.

“Hãy cẩn trọng khi cung cấp thông tin cho bất kỳ ai, nếu đã cung cấp thông tin, hãy đặt lại toàn bộ mật khẩu của các tài khoản ứng dụng đang sử dụng để bảo vệ mình”, đại diện VNCERT/CC khuyến cáo.

"Nếu có vấn đề liên quan đến SIM hoặc tài khoản ngân hàng, người dùng cần làm việc trực tiếp tại chi nhánh, trụ sở của doanh nghiệp. Không nên thao tác, nghe lời hướng dẫn hoặc nhấn vào website do kẻ lừa đảo cung cấp.

Nếu không thể xác minh, người dùng có thể tham khảo bạn bè, liên hệ trực tiếp đến nhà mạng, báo cáo với cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo. Cần tỉnh táo, cân nhắc và tìm hiểu xác thực", chuyên gia Ngô Minh Hiếu từ Chống lừa đảo chia sẻ.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.