Galaxy S23 là dòng máy Android cao cấp hiếm hoi được ra mắt tại Việt Nam trong năm nay. Ảnh: Phương Lâm. |
Phân khúc di động cao cấp tại Việt Nam bị độc chiếm bởi Samsung và Apple. Tổng thị phần của hai thương hiệu này áp đảo số còn lại. Đa phần công ty Trung Quốc đều không đạt được thành công như mong đợi ở tầm giá này trong những năm gần đây. Do vậy, kế hoạch kinh doanh của họ có sự thay đổi.
Mặt khác, thị trường đang bước vào giai đoạn ảm đạm, sức mua giảm bởi kinh tế vĩ mô. Việc nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được Apple, Samsung đưa ra khiến những thương hiệu “trẻ” khó cạnh tranh.
Hạn chế flagship
Nói với Zing, đại diện các các nhà bán lẻ trong nước tiết lộ rằng nhiều thương hiệu Android chọn tinh giản bộ máy, giảm lượng sản phẩm ra mắt trong năm nay khi thị trường biến động. Trong đó, phân khúc flagship là phần bị cắt giảm đầu tiên.
“Nhóm khách hàng trung cao vẫn có khả năng chi tiêu nhưng có tâm lý thận trọng, trì hoãn quyết định với sản phẩm lâu bền, giá trị lớn do suy giảm niềm tin tiêu dùng”, MWG, công ty chủ quản của hệ thống Thế Giới Di Động cho biết trong báo cáo kinh doanh 2 tháng đầu năm.
Find X6 Pro, X90 Pro+ sẽ không được bán chính hãng. Ảnh: vivo, Oppo. |
Thực tế, thị trường Việt Nam có mức độ cạnh tranh cao, với sự áp đảo của Samsung và Apple. Các thương hiệu mới khó chen chân vào phân khúc cao cấp. Theo dữ liệu được tổng hợp tại các nhà bán lẻ lớn trong nước, Apple chiếm khoảng 70% thị phần smartphone giá trên 20 triệu đồng. Khoảng 27% thuộc về Samsung với dòng Galaxy S và Z.
Trong khi đó, hàng loạt thương hiệu đình đám như Oppo, Xiaomi, OnePlus, Vivo, Sony, Asus chia sẻ miếng bánh 3% còn lại.
Tỉ lệ này được duy trì nhiều năm qua, với biên độ biến động thấp ở phần cho các hãng mới. Cạnh tranh chính vẫn thuộc về Apple và Samsung. “Phân khúc cao cấp chủ yếu là cuộc đua của iPhone và Galaxy Phone. Các hãng còn lại có sản phẩm nhưng số lượng bán không đáng kể”, đại diện một nhà bán lẻ lớn nói.
Ngoài ra, việc iPhone 14 Pro Max liên tục được các đại lý giảm giá khiến sức hút thiết bị tăng lên. Sản phẩm Android cũng bị ảnh hưởng về doanh số. “Sức mua flagship Android hiện không được như kỳ vọng bởi người dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, bản Pro Max của iPhone 14 giảm sâu cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của khách hàng”, ông Ngọc Duy, đại diện hệ thống Di Động Việt cho biết.
Theo nguồn tin nội bộ của các công ty smartphone chia sẻ với Zing, Oppo và Vivo sẽ không ra mắt dòng flagship chủ lực của họ tại Việt Nam. Hai mẫu Vivo X90 Pro+ và Oppo Find X6 đã ra mắt toàn cầu, nhưng sẽ không được bán chính hãng. Ở một sự kiện tại TP.HCM cuối 2022, Realme từng tiết lộ kế hoạch mang dòng máy cao cấp GT về Việt Nam. Tuy nhiên, mẫu máy này cũng khó lòng xuất hiện trên kệ hàng chính hãng trong năm nay.
OnePlus, Asus vẫn giới thiệu dòng điện thoại flagship mới. Tuy nhiên, thiết bị được bán giới hạn tại số ít đại lý và kênh online.
Thay đổi chiến lược
Trước sự cạnh tranh mạnh hơn từ iPhone và thị trường bất ổn, các nhãn hàng Android cũng dùng chiến lược giá thấp để chiếm lại thị phần. “Diễn biến thị trường hiện tại là vấn đề chung toàn ngành. Do đó, Apple phải kích cầu để tăng lượng bán. Hãng Android cũng đang chạy chương trình giảm giá mạnh để giữ thị phần”, đại diện FPT Shop nói với Zing.
Dòng Xiaomi 13 vừa có đợt giảm giá lớn qua chính sách thu cũ. Ảnh: Xuân Sang. |
Chính sách bán hàng của các thương hiệu cũng có thay đổi lớn gần đây. Đợt mở bán Samsung Galaxy S23, thay vì tặng các gói quà bảo hành, đồng hồ, tai nghe như những thế hệ trước, thương hiệu này giảm giá trực tiếp 5 triệu đồng cho người dùng. Như vậy, giá thực tế của dòng máy ngang bằng với iPhone 14 series tại Việt Nam.
Tương tự, giá niêm yết của dòng Xiaomi 13 cũng khá cao, 23-30 triệu đồng. Sau mở bán, một số đại lý áp dụng thêm chương trình thu cũ giảm 6 triệu đồng, không phân biệt máy đầu vào. Chương trình nhanh chóng kết thúc sau vài ngày, nhưng thu hút được lượng quan tâm lớn cho sản phẩm.
Với Oppo, thương hiệu này không mang dòng Find X6 về Việt Nam. Họ sử dụng sản phẩm điện thoại gập dạng vỏ sò để thay thế. Thực tế, dòng máy này không được xếp vào phân khúc cao cấp bởi sử dụng chip MediaTek, định vị thấp hơn dòng Find X, Find N Fold.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.