Như đã thông tin vào tối 3/12, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam với 38 đối tượng trong đường dây đánh bạc 87.000 tỷ đồng. Đây được xem là đường dây đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay. Trong số những người bị khởi tố có nhiều "leader đọc lệnh". Tang vật thu giữ gồm: 65 máy tính, 79 ĐTDĐ, 34 thẻ ATM và tài khoản ngân hàng, 3 máy POS, 7 ô tô, 4 xe máy, gần 3 tỷ đồng cùng các tài liệu, giấy tờ tùy thân, sổ tay ghi chép và thiết bị, phương tiện khác liên quan vụ án. Tổng tài sản trị giá gần 21 tỷ đồng.
Nhóm đối tượng cầm đầu
Nhằm giúp mọi người hiểu rõ vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.
PV: Thưa luật sư, các đối tượng tổ chức đường dây đánh bạc này sẽ gánh lấy mức án như thế nào?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Vụ án đang được cơ quan công an tiến hành điều tra, do đó chúng ta cần đợi vào kết luận của cơ quan điều tra, quá trình tranh tụng tại tòa mà Hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết cụ thể (có tội hay không, phạm tội gì, mức án như thế nào…).
Tuy nhiên, nếu đúng như những gì mà truyền thông đưa tin thì khả năng cao các đối tượng tổ chức đường dây đánh bạc này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a, b, c khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Khung hình phạt là bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; ngoài ra, theo khoản 3 Điều 322 Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
PV: Thưa luật sư, đối với người chơi đánh bạc thì có thể khởi kiện để đòi lại số tiền mình đã bị thiệt hại hay không?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Trong trường hợp này người chơi đánh bạc đã vi phạm pháp luật, số tiền mà họ đã cược được xem là vật chứng của vụ án và sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Hàng trăm người tham gia vào một buổi zoom giao lưu của một leader trong đường dây cờ bạc
Hình thức "đầu tư" thực chất là đặt cược tiền vào trò bacarat và thắng thua dựa vào số điểm/ nút của những lần rút bài. Nhiều người chơi cho biết họ ý thức được đây là trò đánh bạc online được mô tả như một "kênh đầu tư" để qua mắt cơ quan chức năng và để chiêu dụ được nhiều người tò mò cùng tham gia vào
PV: Vậy người chơi đánh bạc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Về vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Điều 321 Bộ luật Hình sự về Tội đánh bạc. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên.
- Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
- Tái phạm nguy hiểm.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
https://phapluat.suckhoedoisong.vn/luat-su-hinh-phat-nao-voi-cac-leader-doc-lenh-va-nguoi-choi-trong-duong-day-danh-bac-hon-87000-ty-dong-162210612070028922.htmPháp luật và bạn đọc