Sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ, buôn bán... trong tỉnh phải tạm dừng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động khi không có việc làm, mất thu nhập.
Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ
Trước đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 13.483 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với hơn 370.000 lao động. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội chỉ còn khoảng 1.500 DN hoạt động, trong đó có hơn 800 DN hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với trên 42.600 lao động ở lại làm việc.
Trao tặng vật phẩm hỗ trợ cho người dân khó khăn
Chị Nguyễn Thị Phương (ở trọ tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) cho biết chị và chồng đều là công nhân mất việc làm do công ty phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch. Dịch kéo dài nên số tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt.
"Trong thời gian giãn cách xã hội, cuộc sống của vợ chồng tôi và 2 đứa con gặp nhiều khó khăn. Cũng may, gia đình đã nhận được hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm kịp thời của nhà nước, các nhà hảo tâm, chủ nhà trọ để cố gắng bám trụ rồi tùy tình hình sẽ tính sau" - chị Phương nói.
Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Long An, cho biết khi có kế hoạch và quyết định của tỉnh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, ngành LĐ-TB-XH các cấp phối hợp với trưởng ấp nhanh chóng lập danh sách hỗ trợ tiền cho người thuộc diện được thụ hưởng. "Các địa phương chia thành nhiều đoàn để đi địa bàn rà soát nhằm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân" - ông Tánh cho hay.
Theo ông Tánh, thời gian tới, Long An tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội của nhà nước cho những trường hợp thuộc diện được thụ hưởng còn lại. Đồng thời, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho người dân, lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Huy động nhiều nguồn lực
Theo thống kê, đến cuối tháng 9, toàn tỉnh Long An đã tiếp nhận được nhiều nguồn hỗ trợ tiền, quà, nhu yếu phẩm (trị giá 355,531 tỉ đồng) và đã trao tặng cho hơn 228.000 người. Ngoài huy động các nguồn lực xã hội hóa, tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời các gói an sinh xã hội của nhà nước theo quy định.
Ông Trương Văn Nọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, cho biết cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội. "Yêu cầu đặt ra là "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch. Ngoài ngân sách, thời gian qua, tỉnh đã huy động, xã hội hóa được nhiều nguồn lực để chăm lo cho người dân, người lao động gặp khó khăn. Từ những hỗ trợ kịp thời đã làm lan tỏa thêm nghĩa tình, yêu thương trong cuộc sống" - ông Nọ cho hay.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát động nhiều chương trình, phong trào thực hiện an sinh xã hội cho người dân đã được các cá nhân tổ chức, đơn vị, DN ủng hộ đồng hành như: trao túi quà an sinh; tặng gạo; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng cho người ở trọ; tặng nhu yếu phẩm, rau củ, quả cho người dân ở các vùng phong tỏa, khu cách ly...
Theo Sở LĐ-TB-XH, hiện tỉnh Long An cũng đề xuất Chính phủ xem xét cấp 2.300 tấn gạo cho công nhân - lao động đang ở nhà trọ và nghiên cứu xem xét bố trí cho tỉnh 40% phần kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc do dịch bệnh.