Liên tục bắt các vụ tạo trạm phát sóng giả, gửi tin nhắn lừa đảo

08/07/2023 12:04

Cơ quan chức năng cho biết trong năm 2023 đã bắt được 15 vụ sử dụng trạm phát sóng giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, và sẽ phát hiện và bắt giữ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Tin nhắn kèm đường dẫn do các nhóm lừa đảo sử dụng BTS giả phát tán đến điện thoại. Ảnh: Hoàng Nam.

Tin nhắn mời chào người dùng điện thoại tham gia các trang web cờ bạc, mại dâm, các trang giả mạo ngân hàng hoặc sàn thương mại điện tử đều là “sản phẩm” của các nhóm lừa đảo sử dụng bộ thu phát sóng di động hay BTS giả.

“BTS giả mạo đè lên sóng của nhà mạng, trong bán kính khoảng 100 mét thì thuê bao sẽ bị kết nối vào trạm giả, không qua nhà mạng. Các trạm này có thể phát tán hàng nghìn tin nhắn mỗi phút, trăm nghìn tin nhắn mỗi ngày”, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết tại họp báo ngày 5/7 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhiều người dùng điện thoại di động tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết gặp tình trạng nhận được tin nhắn mời chào dịch vụ mại dâm, đi kèm đường dẫn đến các trang web, theo ghi nhận của phóng viên. Tin nhắn thường gửi đến đồng loạt các thiết bị trong một khu vực, nhiều lần trong ngày, gây phiền toái cho người dùng.

“Nguyên nhân là công nghệ 2G yêu cầu trạm phát sóng xác thực người dùng nhưng không yêu cầu người dùng xác thực nhà mạng, quốc tế cũng chưa có giải pháp triệt để”, theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện. Trong khi đó, các thiết bị phát sóng giả có kích thước nhỏ, nhập lậu vào Việt Nam và được các nhóm lừa đảo gắn trên các phương tiện như ôtô, xe máy, do đó khó phát hiện.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật tại dự án Chống lừa đảo, cho biết BTS là một trong những nguồn phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo chính tại Việt Nam, thậm chí áp đảo SIM rác.

Tin nhắn do các trạm BTS phát tán đến điện thoại người dùng thường là các lời chào mời sử dụng dịch vụ mại dâm, cờ bạc đi kèm đường dẫn trang web. Với thiết bị này, các nhóm lừa đảo cũng có thể đặt tên giả mạo tên định danh ngân hàng, tên nhà mạng, tên sàn thương mại điện tử để tạo niềm tin. Các đường dẫn sẽ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân hoặc các thông tin tài khoản để lừa đảo tài chính.

“Rất dễ mua được các thiết bị này trên nhiều trang thương mại điện tử”, ông Minh Hiếu cho biết.

“Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp các đơn vị và xử lý 24 vụ sử dụng thiết bị giả mạo. Trong đó, năm 2022 bắt 9 vụ và năm 2023 bắt 15 vụ. Chúng ta đã có giải pháp và từ nay trở đi sẽ phát hiện và bắt giữ hiệu quả hơn”, ông Mạnh Tuấn cho biết. Hiện nay, khi BTS giả hoạt động, các nhà mạng có thể khoanh vùng khu vực hoạt động. Sau đó, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của cục vô tuyến sẽ định vị và cùng cơ quan công an phối hợp bắt tại chỗ.

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cũng cho biết đã phối hợp với Bộ Công thương nhằm kiểm soát việc mua bán thiết bị BTS trên các sàn thương mại điện tử, phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm soát hải quan, ngăn chặn việc nhập lậu thiết bị, do đó tình trạng phát tán tin nhắn rác, lừa đảo qua BTS sẽ bị hạn chế trong thời gian tới.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.