Theo đặc phái viên TTXVN, trong không khí trang nghiêm, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến vào sân chính của Điện Invalides, quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp được cử lên trang trọng.
Sau đó, Bộ trưởng Amelie de Montchallin mời Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt đội danh dự. Sau khi đội danh dự diễu hành để Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt, Đội trưởng Đội quân nhạc tiến đến chào Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lần lượt giới thiệu thành phần đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi và Hành chính Công Pháp giới thiệu đại biểu Pháp tham gia Lễ đón chính thức.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Amelie de Montchallin cùng bước tới thân mật chào hỏi các thành viên đoàn cấp cao hai nước dự lễ đón.
Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt Đội danh dự tại Lễ đón chính thức. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu thăm chính thức Pháp từ ngày 3/11 đến 5/11. Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới một quốc gia châu Âu kể từ khi ông nhậm chức người đứng đầu Chính phủ vào tháng 4/2021. Do tác động của đại dịch COVID-19, kể từ năm 2019 đến nay mới có một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm chính thức Pháp.
Đúng 13 giờ 30 phút ngày 3/11 (theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Orly ở thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.
Ngay sau khi tới Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm không gian Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil (cách Paris khoảng 15km về phía Đông).
Chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng nhằm vun đắp tình cảm chân thành, tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, đồng thời để trao đổi, thống nhất với lãnh đạo cấp cao Pháp về các biện pháp thắt chặt và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai bên vì lợi ích của hai nước Việt Nam và Pháp, đóng góp thiết thực cho hòa bình, phồn vinh ở từng khu vực và trên thế giới.Trong chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp; hội kiến Tổng thống Pháp; gặp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Pháp.
Chuyến thăm cũng là dịp để lãnh đạo hai nước Việt Nam - Pháp trao đổi các biện pháp đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - đầu tư - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, nhất là các biện pháp hỗ trợ lẫn nhau nhằm vượt qua những thách thức và tranh thủ các cơ hội đặt ra trong phát triển và nâng cao vị thế hiện nay. Đây cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, Thủ tướng dự kiến sẽ trao đổi sâu với lãnh đạo Pháp về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, một yêu cầu cấp bách đang nổi lên và phù hợp với thế mạnh hợp tác Việt Nam - Pháp. Thủ tướng sẽ làm việc với nhiều chuyên gia, bác sĩ y tế, các viện nghiên cứu, các tập đoàn dược phẩm để trao đổi ý kiến, định hướng hợp tác trong lĩnh vực này.
Hợp tác kinh tế cũng sẽ là một ưu tiên của chuyến thăm, trên cơ sở đây là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp để thông tin về những nỗ lực thúc đẩy sản xuất, phát triển và mong muốn hợp tác đầu tư, thương mại của Việt Nam với các đối tác.
Phối hợp trong các vấn đề quốc tế
Lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về phối hợp trên các diễn đàn quốc tế quan trọng, nhằm phối hợp các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, cũng như giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế, khu vực.
Trong thời gian ở Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có các cuộc hội kiến, tiếp, gặp Tổng Giám đốc Tổ chức Hợp tác giáo dục, khoa học, văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Giám đốc điều hành chương trình COVAX, Hội hữu nghị Pháp - Việt; gặp gỡ cộng đồng và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và một số nước châu Âu,…
Bộ Ngoại giao cho biết, quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp đang trên đà phát triển rất tích cực. Hai nước có mối quan hệ hợp tác, gắn bó truyền thống qua các thăng trầm của lịch sử. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Pháp thời gian qua luôn quan tâm, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ song phương. Pháp là bạn hàng lớn thứ tư, nhà đầu tư lớn thứ hai và nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Nhiều tập đoàn lớn của Pháp mong muốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu và công nghệ cao.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp có: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.
Đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng tham gia Đoàn.
Tiền Phong