Ngày 21-10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng tỉnh chỉ hạn chế người dân ra đường từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau chứ không cấm dân ra đường. Đây là biện pháp nhằm khuyến cáo người dân ít ra đường để tránh lây lan dịch bệnh.
Thông báo về việc tiêm vắc-xin, ông Mười cho biết người dân được tiêm mũi 1 là 56%, mũi 2 là 15%. Giải thích việc tỉnh thu tiền cách ly tập trung đối với người dân tự về từ các địa phương khác, ông Mười cho rằng: "Tiền Giang thông cảm với bà con, cũng xót lắm nhưng trung ương không quy định nên người dân tự chịu chi phí này".
Tầm soát diện rộng cộng đồng sáng 21-10 ở phường 6, TP Mỹ Tho
Nói về trợ cấp khó khăn cho người lao động trong lúc dịch bệnh, bà Châu Mỹ Phương – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - cho biết còn chậm do một số vướng mắc về thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 57.809 người với số tiền 63 tỉ đồng và hơn 3 triệu tấn gạo.
Ngoài ra, giải thích việc dư luận cho rằng Sở Y tế Tiền Giang chi 78 tỉ đồng để mua test với giá cao và có nhiều khuất tuất, bà Phương cho biết UBND tỉnh đã lập tổ kiểm tra nên chưa có kết quả chính thức.
Liên quan đến việc 19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang gửi đơn "kêu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Nhật Trường - Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang - cho rằng: "Chúng tôi nhận thức việc khôi phục kinh tế gắn với phòng chống dịch Covid-19 là rất quan trọng. Việc các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái "bình thường mới" nhằm sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết.
Tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để doanh nghiệp hoạt động tốt nhất theo các mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", kết hợp "3 tại chỗ" với "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm sức khỏe cho công nhân khi trở lại làm việc cũng rất quan trọng. Vì vậy, tỉnh Tiền Giang đã đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho công nhân nhanh và sớm nhất. Đến nay, tỉnh chỉ bao phủ vắc-xin mũi 1 cho gần 100% công nhân, mũi 2 chỉ đạt gần 40%. Do thời gian sau tiêm vắc-xin của công nhân chưa bảo đảm nên doanh nghiệp chưa thể trở lại làm việc".
5 nội dung 19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang "kêu cứu"
Thứ nhất: Đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 địa điểm".
Thứ hai: Cho người lao động đang sinh sống tại các vùng 1,2 và 3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được sử dụng xe cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào đầu tháng 11-2021.
Thứ ba: Đề nghị không gia hạn thời gian "giới nghiêm" (19 giờ tối đến 5 giờ sáng) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc.
Thứ tư: Đề nghị chỉ test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc, sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.
Thứ năm: Đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin quay lại Tiền Giang làm việc.