Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện tài khoản có tên “Huấn Cho Vay 24/7” chào mời khách hàng vay tiền với nội dung: “Huấn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp, chỉ từ 0,8%. Ai cần inbox cho Huấn nhé”. Kèm theo đó, là clip Huấn Hoa Hồng đang cầm điện thoại trên tay.
Giọng nói lồng vào clip quảng bá khá giống với giọng của Huấn Hoa Hồng. Lời nói lồng trong clip nói rõ ràng rằng, cho khách hàng vay không cần viết giấy tờ gì cả. "Khách hàng chỉ cần quay một cái video giới thiệu: Tên tôi là... Tôi chơi với anh Huấn. Tôi có mượn của anh Huấn số tiền và ngày... Tôi cám ơn anh Huấn đã tin tưởng, giúp đỡ tôi"...
Điều đặc biệt, các clip chào mời này đều được các đối tượng bỏ tiền ra chạy quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Theo đó, clip quảng cáo đã tiếp cận được rất nhiều người, nhận được nhiều lượt "thả tim" và bình luận.
Theo quan sát của phóng viên, màn hình điện thoại trên tay Huấn Hoa Hồng lại là thông tin về một loại nước hoa mà Huấn Hoa Hồng đang bán chứ không phải app cho vay tiền.
Theo các chuyên gia công nghệ, nếu quan sát cử chỉ của nhân vật, đặc biệt là “hình khẩu” và giọng nói của nhân vật trong clip thì có nhiều điểm bất hợp lý. Có thể đây chỉ là clip sử dụng công nghệ Deepfake lừa đảo.
Các chuyên gia cho rằng, Deepfake là từ ghép của hai từ "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả). Deepfake là một kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách giống y như thật.
Trong clip trên, có thể các đối tượng đã tạo ra một clip Deepfake để lừa đảo khách hàng. Cụ thể, các đối tượng đã sử dụng clip gốc của Huấn Hoa Hồng đang quảng cáo một loại nước hoa. Qua phần mềm đọc giọng nói AI, các đối tượng đã sao chép giọng nói của Huấn Hoa Hồng. Qua công nghệ đọc AI, một đoạn âm thanh cho vay với giọng đọc của Huấn Hoa Hồng được tạo thành. Cuối cùng các đối tượng sẽ sử dụng kỹ thuật công nghệ để ghép âm thanh và cử chỉ mấp máy môi của nhân vật sao cho khớp với clip gốc để tạo ra clip Deepfake hoàn hảo.
Để làm rõ hơn các thông tin liên quan, Phóng viên Báo Công Thương đã nhiều lần liên hệ với Huấn Hoa Hồng qua số điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Huấn Hoa Hồng.
Trước đó, Huấn Hoa Hồng cũng từng bị một số đối tượng mạo danh, sử dụng hình ảnh, nhân hiệu để lừa đảo qua mạng. Cụ thể, nhiều nạn nhân đã bị các chủ tài khoản mang tên “Huấn Hoa Hồng”, “Bui Xuan Huan”, "Huấn Linh" mạo danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Liên quan vấn đề trên, Huấn Hoa Hồng khẳng định, tất cả những tài khoản được các cơ quan báo chí, các kênh truyền thông đăng tải cảnh báo đều không liên quan tới anh. Theo đó, người này cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ các đối tượng đã mạo danh anh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu, hồi tháng 11/2023, Công an Hà Nội cũng đã cảnh báo về việc một số cá nhân sử dụng tài khoản facebook, zalo đặt tên "Huấn Hoa Hồng" đăng các bài viết với nội dung cung cấp dịch vụ cho vay tín chấp, không cần có tài sản thế chấp.
Theo đó, một số người sau khi làm việc với các tài khoản này đã bị yêu cầu chuyển tiền phí đặt cọc, phí bảo hiểm, phí giải ngân. Khi khách hàng chuyển tiền đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Công an Hà Nội đã công bố 21 tài khoản ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo sử dụng để nhận tiền từ bị hại. Đáng chú ý, trong đó có 10 tài khoản mang tên BUI XUAN HUAN và nhiều tài khoản số đẹp như: 999,14739999, 866888888891, 2316999999999...
Trước thực trạng trên, Công an Hà Nội cũng đã đề nghị các bị hại đến cơ quan công an làm việc và cung cấp thông tin.
Trước các hình thức lừa đảo “nở rộ” dịp Tết, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hình thức lừa đảo công nghệ ngày càng phức tạp và tinh vi.