Theo Tim Sweeney, CEO Epic Games, kỷ nguyên mạng xã hội do Facebook đang dẫn đầu hướng người dùng đến những mục tiêu mà công ty này lựa chọn, thay vì cho phép người dùng tự do khám phá. Ngày nay, nền văn hóa trực tuyến tập trung vào smartphone có nguồn dữ liệu và kiếm tiền thông qua quảng cáo. Tuy nhiên, Sweeney tin rằng các công ty mạng xã hội đang khai thác lợi ích của người dùng và gây hại cho họ.
Mạng xã hội thế hệ tiếp theo sẽ như thế nào
Cốt lõi trong tầm nhìn của Epic là sự thay đổi trong cách mọi người giao tiếp trên Internet. Sima Sistani, nhà đồng sáng lập mạng xã hội Houseparty, nền tảng được Epic mua lại năm 2019, tin vũ trụ ảo metaverse sẽ tạo nên làn sóng mạng xã hội kiểu mới. Các tương tác trong metaverse sẽ không còn các lượt thích, bình luận hay bài viết về cuộc sống cá nhân. Nó sẽ hướng tới những tương tác phức tạp hơn, nơi người dùng chia sẻ và tham gia vào trải nghiệm trên các dịch vụ khác nhau.
Trải nghiệm này có thể nhìn thấy rõ trong game Fornite. Epic đang trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong việc tạo ra vũ trụ ảo một phần nhờ hàng trăm triệu người dùng đăng nhập vào Fortnite mỗi tháng để khám phá, trò chuyện và thi đấu trong trận chiến nhiều người chơi. Game cũng là một diễn đàn cho phép người tham gia tương tác thời gian thực với các sản phẩm từ Marvel hay Star Wars, thậm chí là nơi trưng bày hàng tiêu dùng cao cấp.
Đầu năm nay, chiếc Ferrari 296 GTB được đưa vào Fortnite để tham gia buổi lái thử, đánh dấu ứng dụng bước đầu của ngành công nghiệp ôtô trong metaverse. Donald Mustard, Giám đốc sáng tạo tại Epic Games, cho biết game đã trở thành một loại phòng thí nghiệm và là vườn ươm của những ý tưởng mới.
Theo Tim Sweeney, metaverse là sự tiến hóa trong tương tác của người dùng với sản phẩm ảo trên Internet. Ông hình dung vũ trụ ảo là một không gian cộng đồng mở, được số hóa, nơi người dùng có thể tự do tương tác với các vật phẩm, từ đó thể hiện bản thân và khơi dậy sáng tạo. Đó sẽ là một sân chơi trực tuyến, nơi người dùng cùng bạn bè chơi trò chơi, xem phim và sau đó đi lái thử một chiếc xe mới được chế tạo y hệt như trong thế giới thực.
Facebook của Mark Zuckerberg gần đây cũng cho biết muốn người dùng ngừng nghĩ về Facebook như một công ty truyền thông xã hội mà là một công ty công nghệ chuyên về metaverse. CEO Satya Nadella của Microsoft cũng đề cập kế hoạch triển khai dịch vụ "vũ trụ ảo metaverse doanh nghiệp" của công ty. Ngoài ra, tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh phát triển lĩnh vực này.
Tham vọng chung của các tập đoàn công nghệ này là tạo tiền đề cho một cuộc chạy đua chiếm thị phần cao để tạo ra metaverse.
Internet của những nhà sáng tạo
Rất lâu trước khi Fortnite làm mưa làm gió trên toàn thế giới, một trò chơi do chính Sweeney thực hiện đã ra mắt năm 1998 và trở thành tâm điểm trong hoạt động kinh doanh của Epic. Trò chơi có tên là Unreal và được tạo bởi một phần mềm gọi là Unreal Engine, bộ công cụ được sử dụng để xây dựng các nhân vật và thế giới ảo. Unreal Engine có ít nhất 7 triệu người dùng, trong đó có các nhà phát triển trò chơi trên khắp thế giới. Ngoài ngành công nghiệp game, nó cũng đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, như xây dựng bối cảnh ảo cho chương trình truyền hình The Mandalorian của Disney. Các nhà sản xuất ôtô như Ferrari cũng sử dụng Unreal Engine để làm mô hình xe.
Tầm nhìn chiến lược của Epic đối với metaverse yêu cầu quá trình sáng tạo nội dung liên tục để thu hút người dùng. Để đạt được điều đó, hãng đang phát triển để Unreal Engine dễ tiếp cận nhất có thể đối với những người mới làm quen.
Marc Petit, Giám đốc Unreal Engine, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng biến công nghệ siêu phức tạp thành một quá trình đơn giản dễ tiếp cận với hàng triệu người nhằm xây dựng metaverse".
Epic Games đang áp dụng chiến lược này bằng cách hợp tác với các công ty như Manticore Games. Công ty này được thành lập bởi Jordan Maynard và Frederic Descamps để phát triển Core, nền tảng tạo trò chơi được xây dựng dựa trên Unreal Engine. Nó tương tự Roblox nhưng có chất lượng hình ảnh cao hơn và mang đến khả năng xây dựng thế giới trò chơi mở bằng các công cụ dễ sử dụng.
Trong việc xây dựng metaverse, các nhà sáng tạo nội dung đóng vai trò quan trọng. Trong thập kỷ qua, văn hóa Internet được phát triển bởi hàng chục triệu người sáng tạo nội dung trên khắp thế giới. "Một số nhân vật giải trí hàng đầu không xuất phát từ Hollywood", Frederic Descamps, nhà sáng lập Manticore Games, nói. "Nhiều người nổi tiếng bắt đầu sự nghiệp khi được phát hiện trên YouTube. Game online tương tự cũng đã sinh ra không ít người nổi tiếng".
Trở ngại thực trong thế giới ảo
Nếu thế giới trò chơi điện tử có thể được coi là những tòa nhà của sự tương tác, Epic Games là một trong những đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng lớn nhất nhờ Unreal Engine. Bây giờ CEO Sweeney muốn giúp xây dựng những cây cầu giữa các tòa nhà đó.
Nhiều chuyên gia chỉ ra viễn cảnh Epic Games có thể trở thành một công ty độc quyền về công nghệ xây dựng metaverse. Sweeney thừa nhận điều này. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi Covid-19 đang đẩy nhanh việc ứng dụng vũ trụ ảo, vẫn có một loạt các tiêu chuẩn và trở ngại cần được giải quyết để biến ý tưởng này thành hiện thực.
"Bạn cần một bộ tiêu chuẩn mới. Giống như HTML trở thành định dạng tệp tiêu chuẩn để hiển thị trang web, metaverse sẽ yêu cầu rất nhiều định dạng tệp để mô tả cảnh 3D, các giao thức mạng để mô tả cách người chơi tương tác thời gian thực. Mỗi trò chơi đều có một giao thức mạng khác nhau. Đương nhiên không phải tất cả các nhà phát hành đều đồng ý, nhưng cuối cùng họ sẽ phải tuân theo số đông", Sweeney nói.
Dù Epic có thể tạo ra một vũ trụ ảo được xây dựng trên Unreal Engine và nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà sáng tạo, nó sẽ không phải là "siêu vũ trụ ảo" như Sweeney hình dung cho đến khi rào cản giữa các công ty công nghệ lớn được phá bỏ.
Sweeney nói: "Tôi nghĩ sức mạnh định hình metaverse thành một nền tảng mở chính là sức mạnh của tất cả các thương hiệu tham gia vào nó".
CEO Epic Games cho biết ông lạc quan và hy vọng sự phát triển tiếp theo của Internet có thể quay trở lại với tinh thần hợp tác, vốn đã thúc đẩy liên minh AIM năm 1991 giữa Apple, IBM và Motorola nhằm tiêu chuẩn hóa công nghệ máy tính cá nhân.
Đăng Thiên (theo Washington Post)