KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ (*): Bắc cầu nhân ái

28/02/2022 12:07

Kết thúc những ngày lăn xả cùng các chương trình hỗ trợ thực phẩm, vật tư y tế trong giai đoạn giãn cách xã hội ở TP HCM, Báo Người Lao Ðộng lại tiên phong "bắc cầu nhân ái" bằng chương trình "Tình thương cho em" và "Tết sẻ chia"

Sáng 16-9-2021 - tức một ngày sau khi Sở Giáo dục và Ðào tạo TP HCM công bố thành phố có hơn 1.500 trẻ đang tuổi ăn học phải chịu cảnh mất cha, mẹ vì dịch Covid-19 - Báo Người Lao Ðộng đã đi đầu kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ, san sẻ nỗi đau với các em qua chương trình "Tình thương cho em".

KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ (*): Bắc cầu nhân ái - Ảnh 1.

Ông Tô Ðình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng (bìa phải), thăm hỏi 2 em T.M.Th và T.M.T (quận 3, TP HCM) mồ côi mẹ vì Covid-19. Ảnh: TẤN THẠNH

Xoa dịu nỗi đau con trẻ

Thực hiện chương trình "Tình thương cho em", Báo Người Lao Ðộng đã trực tiếp tìm gặp từng trẻ mồ côi, trao tận tay các em số tiền hỗ trợ do bạn đọc và doanh nghiệp đóng góp. Những cuộc gặp gỡ đều không quá dài nhưng đủ để chúng tôi được thay mặt những tấm lòng vàng đồng hành với chương trình gửi đến các em lời động viên, chia sẻ chân thành. Hy vọng các em sẽ sớm ổn định tinh thần, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh đầu đời.

Chương trình không tạo ra phép mầu để có thể đem cha, mẹ về với các em nhưng bằng cách nhanh nhất, hữu hiệu nhất đã giúp xoa dịu nỗi đau cho trẻ. Mỗi hoàn cảnh mà chương trình "Tình thương cho em" đến thăm là một câu chuyện đầy xót xa về những đứa trẻ kém may mắn. Có em mất cha, có em mất mẹ, có em mất cả ông bà, cha mẹ - những người sinh sống, làm việc và cùng chung tay đóng góp xây dựng TP HCM.

Trong cuộc chiến sinh tử với Covid-19, có những người như vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (ngụ quận 4, TP HCM) đã không nề hà thiệt hơn, lăn xả phát cơm từ thiện, mặc đồ bảo hộ chở thực phẩm đi khắp các khu phong tỏa, cách ly trao cho đồng bào gặp khó… Nhưng không may, vợ chồng chị đều mắc Covid-19 rồi qua đời, bỏ lại 4 con thơ - lớn nhất mới 15 tuổi.

Có những người như chị Cung Kim Phượng - nữ cán bộ phường 9, quận 10, TP HCM - mắc Covid-19 sau những ngày xông pha hỗ trợ chống dịch tại nơi ở. Không may, chồng chị bị lây nhiễm và không qua khỏi, bỏ lại chị và 2 con trai, cháu lớn nhất mới 8 tuổi.

Trước biến cố cuộc đời, rất nhiều trẻ vẫn vô tư, hồn nhiên như chính lứa tuổi của các em. Bên cạnh đó, cũng có không ít trẻ đã hiểu chuyện. Nhiều trẻ tâm sự với chúng tôi rằng những chuyến thăm của chương trình không chỉ hỗ trợ phần nào chi phí giúp trang trải những ngày khó khăn trước mắt mà qua đó, các em còn cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhờ vậy xua đi cảm giác cô đơn, lạc lõng khi cha, mẹ không còn. Ðể rồi khi chúng tôi trở lại sau đó, 4 con của chị Lệ hay 2 con trai của chị Phượng cũng như nhiều đứa trẻ khác được chương trình hỗ trợ đều ríu rít mừng rỡ, mạnh dạn mở lòng tâm sự về cuộc sống hiện tại của các em.

Qua thời gian thực hiện ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành ĐBSCL, khu vực miền Trung, chương trình "Tình thương cho em" đã nhận được sự đánh giá cao từ chính quyền các địa phương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn, TP HCM - nhận xét chương trình của Báo Người Lao Ðộng như một hành trình gieo mầm nhân ái. Ông tin rằng nghĩa cử từ những cá nhân, tổ chức cũng như chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Ðộng sẽ được trẻ mồ côi do dịch Covid-19 khắc ghi như bài học rõ ràng về lòng tốt của cộng đồng. Lòng tốt sẽ được noi theo, đâm chồi nảy lộc về mọi hướng.

KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ (*): Bắc cầu nhân ái - Ảnh 2.

Chương trình “Tết sẻ chia” thăm, tặng quà cho trẻ em mồ côi do Covid-19 tại Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: THANH LONG

Lan tỏa niềm vui, hơi ấm ngày xuân

Khi chương trình "Tình thương cho em" vẫn đang vận hành thì Tết Nhâm Dần 2022 đã đến rất gần. Cũng chính từ những ngày bộn bề với công việc chất chồng, Ban Biên tập Báo Người Lao Ðộng lại một lần nữa trăn trở về cái Tết của những người yếu thế, những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng từ đợt dịch bệnh vừa qua.

Vậy là "Tết sẻ chia" ra đời vào ngày 25-1, tức 23 tháng chạp. "Tết sẻ chia" là chương trình công tác xã hội do Báo Người Lao Ðộng thực hiện nhằm thiết thực chăm lo cho các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như: người nghèo vô gia cư, cộng tác viên phát hành báo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi do cha, mẹ mất trong dịch Covid-19 nhân dịp Tết Nhâm Dần. "Tết sẻ chia" đã trao 957 suất quà, trị giá hơn 478 triệu đồng tại TP HCM và một số tỉnh, thành lân cận. Kinh phí của chương trình được trích từ nguồn quỹ công tác xã hội của Báo Người Lao Ðộng.

Khác hẳn những chuyến xe hỗ trợ vào thời điểm giãn cách xã hội trước đây, những chuyến thăm mang quà Tết đến với người yếu thế của Báo Người Lao Ðộng trong thời điểm đó không còn chất chồng nỗi âu lo. Thay vào đó là một tinh thần rất khác: Tinh thần hồ hởi và phấn khởi khi được mang hơi ấm yêu thương để vun tròn Tết cho nhiều người.

KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ (*): Bắc cầu nhân ái - Ảnh 3.

Tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Ðức, TP HCM. Ảnh: QUỐC THẮNG

Tinh thần ấy làm cho khoảng sân vắng của Trung tâm Chăm sóc người già bại liệt Thạnh Lộc (quận 12) hay khuôn viên Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM (quận 8), Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Ðức)… - những điểm mà đoàn chúng tôi đã đến thăm và tặng quà - tràn đầy hơi thở mùa xuân.

Nhiều em nhỏ, cụ già cầm trên tay món quà Tết của chương trình mà rưng rưng xúc động. "Thấy đoàn tới là thấy Tết" - nghệ sĩ cải lương Nguyễn Thị Thẩn (nghệ danh Lệ Thẩn, 86 tuổi) tâm sự. Nghệ sĩ Thiên Kim bộc bạch: "Chúng tôi ở đây buồn lắm, Tết cũng không đi đâu. Được sự quan tâm từ Báo Người Lao Ðộng, chúng tôi rất cảm ơn và cảm kích vì mọi người không ngại khó khăn, dịch bệnh để đến thăm".

Theo ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người già bại liệt Thạnh Lộc, "nghĩa cử của Báo Người Lao Động hết sức nhân văn, cao đẹp".

Thực hiện các chương trình có ý nghĩa nhân văn được công chúng ủng hộ, góp sức và yêu quý cũng là một trong những mục tiêu xuyên suốt của Báo Người Lao Ðộng thời gian qua. Trong năm 2021, nỗ lực vì cộng đồng của chúng tôi đã được thực hiện liên tục, hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Suy cho cùng, sự thành công của các chương trình này là nhờ lòng nhân ái, nghĩa tình, luôn biết nghĩ về nhau của người Việt chúng ta. 

Sáng tạo và thiết thực

Chương trình "Tình thương cho em" đã khép lại với số tiền ủng hộ 2,15 tỉ đồng, tương đương 430 suất hỗ trợ, mỗi suất 5 triệu đồng. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ trực tiếp từ Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup, Công đoàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng hàng ngàn lượt quyên góp từ doanh nghiệp, bạn đọc qua ví điện tử MoMo và ZaloPay.

Từ ngày 25 đến 31-1-2022, chương trình "Tết sẻ chia" đã đến thăm và trao tặng quà tại các địa điểm: Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, Khu Dưỡng lão nghệ sĩ, Trung tâm Chăm sóc người già bại liệt Thạnh Lộc, Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh, Ủy ban MTTQ TP Thủ Ðức, Ủy ban MTTQ quận 3, Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp, Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, Ủy ban MTTQ quận Bình Tân, Trường Chuyên biệt Thảo Ðiền, nhà trọ Xuân Hà (quận 8), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh và ở trụ sở Báo Người Lao Ðộng.

Ðánh giá về các chương trình sau mặt báo của Báo Người Lao Ðộng, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LÐLÐ TP HCM, bày tỏ: "Có thể khẳng định những chương trình thiện nguyện mà Báo Người Lao Ðộng thực hiện thời gian qua đều là những chương trình xã hội đầy sáng tạo và vô cùng thiết thực. Qua đó thấy được Ban Biên tập và đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhân viên của báo luôn suy nghĩ vì cộng đồng, luôn canh cánh nỗi lo chung của người dân gặp khó khăn, luôn có ý thức trách nhiệm trong việc chung tay cùng chính quyền chăm lo cho đối tượng yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau".

(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 26-2

Kỳ tới: Nỗ lực vì cộng đồng

Bạn đang đọc bài viết "KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ (*): Bắc cầu nhân ái" tại chuyên mục TIN TỨC.