Không đưa phạm nhân đã có hành vi trốn trại ra lao động ngoài trại giam

03/06/2022 16:17

(NLĐO)- Một trong những trường hợp được đề xuất không đưa ra lao động ngoài trại giam là phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Ngày 3-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

Không đưa phạm nhân đã có hành vi trốn trại ra lao động ngoài trại giam - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày tờ trình tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.

"Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc,… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. "Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết"- Đại tướng Tô Lâm cho hay.

Dự thảo Nghị quyết đã quy định không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; người tổ chức trong vụ án đồng phạm; người nước ngoài; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm…

Bên cạnh đó, những người dưới 18 tuổi; người đủ 60 tuổi trở lên; người đang xếp loại chấp hành án phạt tù "Trung bình" hoặc "Kém" hoặc đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc cũng không thuộc đối tượng đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghi quyết, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết Uỷ ban Tư pháp đồng tình với việc Nghị quyết chỉ nên quy định các trường hợp không được đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Đây là các quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng chính sách hình sự của Nhà nước.

"Việc giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại từng trại giam"- bà Lê Thị Nga nhấn mạnh

Dự thảo Nghị quyết quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thực hiện trong 5 năm, kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực (ngày 1-9-2022).

Đa số ý kiến Uỷ ban Tư Pháp tán thành với tờ trình của Chính phủ và cho rằng, quy định thời gian thực hiện thí điểm 5 năm như dự thảo Nghị quyết là phù hợp để có đủ thời gian tổng kết, đánh giá hiệu quả thí điểm và bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân đã đầu tư cơ sở vật chất để hợp tác với trại giam tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Theo dự thảo Nghị quyết, trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Chính phủ cũng đề xuất thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.