Không đấu giá đất thì Luật Đấu giá tài sản còn ý nghĩa gì trong cuộc sống này?

04/08/2023 16:03

“Những tài sản khác chúng ta còn đấu giá, trong khi cái khó nhất là sử dụng đất, lại không đấu giá nữa thì Luật Đấu giá tài sản còn ý nghĩa gì trong cuộc sống này nữa không?”, Thứ trưởng TN&MT Lê Minh Ngân nêu câu hỏi.

Ngày 4/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi , với sự tham dự của các chuyên gia. Vấn đề thu hồi, giao đất nhận được sự quan tâm của đại biểu tại phiên họp.

Liên quan đến thu hồi đất, giao đất đối với dự án nhà ở thương mại, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Giao HĐND quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu.

Phương án 2: Quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, trên 10 ha là trường hợp đấu thầu; dưới 10 ha và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10 ha và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có.

Không đấu giá đất thì Luật Đấu giá tài sản còn ý nghĩa gì trong cuộc sống này? - Ảnh 1.

Ông Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ngọc Thắng.

Tại phiên thảo luận, ông Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - cho rằng, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề cực kỳ phức tạp.

Ủng hộ quan điểm sử dụng vốn ngân sách để tạo quỹ đất sạch, theo ông Sỹ, Nhà nước sẽ dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, rồi thực hiện đấu thầu, đấu giá.

“Tôi không phải chuyên gia kinh tế nhưng thấy đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch. Đồng thời sẽ là giải pháp tốt nhất để xử lý hài hòa lợi ích giữa người bị thu hồi đất - nhà nước và nhà đầu tư", ông Sỹ nói.

Để giải quyết bài toán vốn cho nhà nước, theo ông, có thể đưa ra cơ chế, mời các ngân hàng thương mại cho vay, sau đó đấu thầu, đấu giá, rồi hoàn trả lại cho ngân hàng. “Các ngân hàng thương mại không thiếu vốn và nếu thấy dự án nào khả thi họ sẵn sàng tham gia", ông Sỹ cho hay.

Không đấu giá đất thì Luật Đấu giá tài sản còn ý nghĩa gì trong cuộc sống này? - Ảnh 2.

Thứ trưởng TN&MT Lê Minh Ngân. Ảnh: Ngọc Thắng.

Chuyên gia độc lập về đất đai Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, phân bổ chênh lệch địa tô một cách hài hoà không đồng nghĩa với việc dự án đó bắt buộc phải đấu giá đất.

“Cốt lõi là vấn đề giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi đó việc chuyển mục đích sử dụng đất trên cơ sở thoả thuận, nhà đầu tư ứng tiền. Nếu định giá đất sát giá thị trường sẽ không có chuyện thất thoát lãng phí”, ông Đỉnh nhấn mạnh và đề nghị không nhất thiết phải quy định dự án trên 10 ha bắt buộc phải đấu giá, đấu thầu.

Phản biện lại, ông Đinh Dũng Sỹ nói: “Nếu đã xác định được giá thị trường thì khỏi phải đấu thầu đấu giá, cái này đúng rồi. Nhưng đã xác định được giá thị trường đâu. Vì không xác định được giá thị trường nên mới phải đấu giá”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: “Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải phục vụ cho một nhóm người nào đó. Đấu thầu, đấu giá là để đảm bảo điều tiết địa tô chênh lệch, vấn đề này đã được xem xét kỹ”.

Thứ trưởng TN&MT Lê Minh Ngân cũng cho rằng, trường hợp định giá đất sát giá thị trường thì không cần đấu giá đất. Nhưng trên thực tế, chúng ta có định giá đất đúng không? Thị trường có minh bạch đến mức lý tưởng như thế chưa?

“Những tài sản khác chúng ta còn đấu giá, trong khi cái khó nhất là sử dụng đất, lại không đấu giá nữa thì Luật Đấu giá tài sản còn ý nghĩa gì trong cuộc sống này nữa không?”, ông Ngân nhấn mạnh và cho rằng cần có sự hài hoà giữa các phương pháp.