Khiếu nại liên quan đến đất đai ở Thừa Thiên-Huế gia tăng

23/07/2023 13:02

Nguyên nhân khiến tình hình khiếu kiện và đơn thư 6 tháng đầu năm 2023 ở Thừa Thiên-Huế tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 21/7, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa phương vừa có báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh.

Sự kiện - Khiếu nại liên quan đến đất đai ở Thừa Thiên-Huế gia tăng

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.

Theo báo cáo, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được chính quyền các cấp của tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cấp, các ngành đã tiếp nhận 2.312 đơn. Trong đó, kỳ trước chuyển sang 267 đơn, tiếp nhận trong kỳ 2.045 đơn.

Cụ thể hơn, số đơn đã xử lý: 2.202 đơn; Số đơn đủ điều kiện xử lý 1.985 đơn, trong đó: 150 đơn khiếu nại, 30 đơn tố cáo và 1.805 đơn kiến nghị, phản ánh; Số đơn không đủ điều kiện xử lý: 217 đơn.

Về nội dung khiếu nại, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, khiếu nại các quyết định hành chính, việc bồi thường, hỗ trợ và bố trí đất tái định cư...  Còn nội dung đơn tố cáo chủ yếu tập trung tố cáo hành vi hành chính, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định pháp luật…

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tình hình khiếu kiện và đơn thư tăng so với 6 tháng đầu năm 2022. Lý giải điều này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, là do trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số dự án trọng điểm.

Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh này, một số quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa theo kịp thực tế, thường xuyên thay đổi đã gây khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần với nhiều biện pháp khác nhau, mặc dù đã bảo đảm về chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn cố tình không chấp nhận kết quả giải quyết.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế dự báo, trong thời gian đến, tình hình khiếu kiện phức tạp có khả năng tiếp tục phát sinh trên địa bàn liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án như việc giải tỏa các hộ còn tồn đọng bờ sông Hương - phường Phú Cát, Dự án Đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Km791A+500 – Km848+875 6 qua tỉnh Thừa thiên Huế, Dự án mặt bằng khu công nghiệp Phong Điền Viglacera, Dự án Khu du lịch - dịch vụ ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; Dự án Green City...

Theo đó, nếu không tập trung chỉ đạo, giải quyết sẽ có chiều hướng khiếu kiện đông người, phức tạp. Do vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chỉ đạo UBND các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai minh bạch trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm hạn chế những bức xúc của người dân dẫn đến khiếu nại, tố cáo góp phần thực hiện tốt các dự án, ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Lê Kông