Khai thác dầu khí: Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao

07/01/2022 08:20

Đó là chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương Trần Thanh Tùng khi nhắc về rủi ro của ngành dầu khí.

Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao

Các chuyên gia cho rằng đặc thù dầu khí lớn nhất là rủi ro. Ví dụ khi nhà đầu tư ký hợp đồng dầu khí, nhưng thời điểm đó nhà đầu tư chưa biết sẽ tìm ra dầu, khí hoặc chưa tìm ra gì. Trong khi, các dự án khác biết được rõ quy trình, tổng mức đầu tư…

Như giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, thị trường thường xuyên có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế; chi phí cho công tác tìm kiếm thăm dò rất cao, nhưng kết quả giống như “mò kim đáy biển”; không phải giếng khoan nào cũng có trữ lượng dầu, khí thương mại.

Do đó, các chuyên gia cũng cho rằng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải thể hiện được tính đặc thù của ngành dầu khí.

Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương Trần Thanh Tùng cho biết, với đặc thù hoạt động trên biển, khi khoan 10 giếng, có khi chỉ 1 - 2 giếng phát hiện có dầu, khí. Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, cùng với những hạn chế liên quan đến hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC); thời hạn giai đoạn của tìm kiếm thăm dò; quy trình phê duyệt để khai thác sau khi có các phát hiện dầu khí; đặc biệt là cách tính thuế, dẫn đến lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí hiện nay khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Trần Thanh Tùng, thực tế là trong hoạt động tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư cần cơ chế ưu đãi đầu tư để thu hồi chi phí.

Đối với lô dầu khí bình thường, thuế tài nguyên hiện hành là 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 50%, thu hồi chi phí đến 50% doanh thu; lô khuyến khích là 7% và 32%, thu hồi chi phí là 70% doanh thu tương ứng.

Sự kiện - Khai thác dầu khí: Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải thể hiện được tính đặc thù của ngành dầu khí.

Trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công thương đang đề xuất cơ chế mới đối với Lô đặc biệt ưu đãi đầu tư. Cụ thể, áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên như đối với các lô ưu đãi đầu tư dầu khí, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, lô thông thường thì ưu đãi là 50%, lô khuyến khích là 70%; lô đặc biệt khuyến khích là 80%. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề xuất miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế xuất khẩu dầu thô so với mức 10% trước đây.

Quản lý Nhà nước về dầu khí

Trong khi đó, góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), vừa qua Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã đề xuất làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí theo hướng: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy trình liên quan có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí” và các trường hợp đặc biệt có ảnh hưởng đến lý do “quốc phòng, an ninh”; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí, phê duyệt các quy trình liên quan đến việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai thực hiện theo hợp đồng dầu khí.

Theo VPI, nội dung “Quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí” được quy định ngay từ khi Luật Dầu khí lần đầu tiên được ban hành tại Việt Nam (Luật Dầu khí 1993). Luật Dầu khí 2008 chính thức vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí, có nhiều cơ quan Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ/cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tham gia hoạch định chính sách và phê duyệt các quy tình liên quan trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới dù áp dụng mô hình quản lý nhà nước về dầu khí khác nhau song đa số quy trình phê duyệt liên quan đến hoạt động thăm dò khai thác dầu khí được thực hiện ở cấp độ của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí (thường là Bộ chủ quản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí).

Để phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế và đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích hơn trong điều kiện nguồn tài nguyên dầu khí ngày càng hạn chế, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa/bổ sung các nội dung về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí trong Luật Dầu khí sửa đổi.

Sự kiện - Khai thác dầu khí: Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao (Hình 2).

Đề xuất làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí.

Cụ thể, VPI đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy trình liên quan có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí” và các trường hợp đặc biệt có ảnh hưởng đến lý do “quốc phòng, an ninh”: phân định, điều chỉnh danh mục các lô dầu khí; phê duyệt hợp đồng dầu khí; gia hạn hợp đồng dầu khí hoặc gia hạn thời hạn tìm kiếm thăm dò, tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh; phê duyệt chuyển nhượng, kết thúc hợp đồng dầu khí.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Bộ Công Thương phê duyệt các quy trình liên quan đến việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai thực hiện theo hợp đồng dầu khí.

Đồng thời, VPI cho rằng Dự thảo Luật Dầu khí cần xem xét điều chỉnh/bổ sung về thẩm quyền phê duyệt đối với: Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí, báo cáo phát triển mỏ (FDP), điều chỉnh FDP; tiếp nhận mỏ/cụm mỏ từ nhà thầu; quyết định phê duyệt dự án triển khai theo chuỗi đồng bộ để thuộc quyền phê duyệt của Bộ Công Thương (thay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như trong Dự thảo) (Điều 40; Khoản 3, Điều 41; Khoản 1, Điều 44; Khoản 1, Khoản 6 Điều 47);

Bổ sung thẩm quyền của Bộ Công Thương đối với việc “Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” (Khoản 2, Điều 65); bổ sung về việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi Bộ Công Thương “Ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng dầu khí” theo quy định tại Khoản 3, Điều 65 do Thủ tướng Chính phủ là cơ quan phê duyệt Hợp đồng dầu khí ban đầu và là đại diện quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí”.

Theo dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Tiềm năng có thể thu hồi từ 1,5-2,5 tỷ m3 quy dầu

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trên thềm lục địa Việt Nam vào khoảng trên 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó có khoảng 734 triệu m3 dầu và condensate và 798 tỷ m3 khí. Trữ lượng các mỏ đang khai thác tập trung chủ yếu ở bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng, Malay-Thổ Chu.

Ngoài các khu vực đã có phát hiện dầu khí, ở các bể trầm tích trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam còn nhiều cấu tạo chưa được thăm dò với tiềm năng có thể thu hồi từ 1,5-2,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó khu vực nước sâu, xa bờ, phức tạp chiếm khoảng 50%, được phân bổ như sau: Bể Cửu Long (9%), Sông Hồng (20%), Malay - Thổ Chu (3%), Phú Quốc (2%), Nam Côn Sơn (15%), Phú Khánh (16%), Tư Chính - Vũng Mây (32%), Hoàng Sa (5%). Tiềm năng các cấu tạo này phân bố ở các khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện thi công thực địa phức tạp, khó khăn, khó chủ động thực hiện ở các bể Tư Chính - Vũng Mây, Sông Hồng, Phú Khánh và Nam Côn Sơn (>50% tổng tiềm năng), các khu vực này ít được thăm dò, mới chỉ có phát hiện dầu khí, tài liệu còn hạn chế nên dự báo tiềm ẩn rủi ro cao.

Xem thêm: 

>> Thua các nhà thầu quốc tế ngay trên “sân nhà”

>> "Cởi trói" cho ngành dầu khí

>> Sửa Luật Dầu khí để phù hợp hơn với điều kiện hoàn cảnh mới

Bạn đang đọc bài viết "Khai thác dầu khí: Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.