Hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại 'chưa hoàn thành'

25/07/2023 12:05

Hơn 50.000 học sinh lớp 1 trên toàn quốc bị đánh giá “chưa hoàn thành” trong năm học 2022 - 2023. Những học sinh này sẽ phải học bồi dưỡng trong hè và có nguy cơ ở lại lớp.

Theo Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học, tăng hơn 476.000 em. Tính trung bình cả nước sĩ số học sinh ở bậc học này là 32 em/lớp. Tuy nhiên, ở một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn, áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt quy định. Các địa phương có số học sinh đông bao gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Năm học 2022-2023 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, 2, 3 và chương trình hiện hành với học sinh lớp 4, lớp 5. Các địa phương, trường học đã ưu tiên giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ tốt để dạy các khối lớp thực hiện thay sách giáo khoa, thực hiện chương trình mới.

Hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị xếp loại 'chưa hoàn thành' - Ảnh 1.

Năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị đánh giá “Chưa hoàn thành” (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, kết quả học tập của học sinh lớp 1 cho thấy có hơn 50.000 em bị đánh giá “Chưa hoàn thành” trong 4 mức đánh giá gồm: Xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá định kỳ, học sinh đánh giá chưa hoàn thành là: Chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.


Cụ thể, môn Tiếng Việt dẫn đầu các môn với 49.702 em bị đánh giá “Chưa hoàn thành”; tiếp theo là môn Toán có 39.022 em bị xếp loại tương tự. Trong khi khối 2 đến khối 4 mỗi khối có từ 13.000 đến gần 16.000 em bị xếp loại tương tự. Duy chỉ có khối 5 số lượng xếp loại “Chưa hoàn thành” ít nhất (hơn 5.000 em).

Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, học sinh lớp 1, 2, 3 hiện nay được đánh giá, xếp loại theo Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT, trong đó những em bị xếp loại “Chưa hoàn thành” là rất yếu cả kiến thức môn học lẫn các hoạt động.

Cách đánh giá đối với học sinh thực hiện chương trình mới bậc tiểu học hiện nay là giữa kỳ, cuối kỳ I, kỳ II sẽ có bài kiểm tra lấy điểm số kết hợp với việc giáo viên theo dõi quá trình học tập, sự hợp tác thường xuyên trong các hoạt động. “Như vậy, trong suốt năm học ngoài điểm số, giáo viên còn theo dõi sự tiến bộ và đánh giá bằng lời nhận xét đến từng học sinh nên sẽ rất chuẩn xác”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, đề kiểm tra cuối kỳ, cuối năm đối với lớp 1 yêu cầu không quá cao. Ví dụ, môn Tiếng Việt, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đọc một đoạn trích. Ở phần đọc hiểu, các em sẽ trả lời thêm một số câu hỏi và viết chính tả. Đối với môn Toán, bài kiểm tra cũng chỉ dừng ở mức tính toán các con số trong phạm vi nhỏ.

Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT Hà Nội Đào Tân Lý cho biết, học sinh bị xếp loại “Chưa hoàn thành” không có nghĩa là ở lại lớp. Theo quy định, trong hè, các trường sẽ phải bố trí giáo viên kèm cặp, hướng dẫn kiến thức cho các em. Đến cuối tháng 8, trước thềm năm học mới, nhà trường thực hiện bài khảo sát, nếu vượt qua, học sinh được lên lớp như bình thường.

Ông Lý lý giải, số lượng học sinh lớp 1 xếp loại thấp cao nhất không quá khó lý giải bởi đây là năm đầu tiên ở bậc học mới như “tấm lưới” lọc học sinh. Nếu học sinh đạt mục tiêu cơ bản về đọc thông, viết thạo sẽ thuận lợi tiếp cận kiến thức lớp 2, 3, 4.

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với tiểu học. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đảm bảo học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học.


Đánh giá thực chất chất lượng dạy học

Bộ GD&ĐT cho rằng, năm học vừa qua có phần ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ năm học trước diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học. Trước giai đoạn đầu năm học này, nhiều học sinh phải học trực tuyến. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường học tập nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi... Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.

Tuy nhiên, Bộ khẳng định: “Số học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học ở bậc tiểu học là 105.734, chiếm 1,19% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc. Cách đánh giá như hiện nay dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Trên thực tế, hiện nay, lo ngại chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 nặng về kiến thức, cách tổ chức dạy học gấp gáp khiến học sinh gặp khó khăn, áp lực ngay từ đầu năm học nên nhiều phụ huynh cho con đi học thêm, luyện chữ, làm toán tiền lớp 1. Do đó, khi bắt đầu vào năm học mới sẽ có tình trạng “xôi đỗ”, em biết đọc viết thành thạo, em chưa.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, chương trình, sách giáo khoa mới nặng hay nhẹ là do giáo viên. Hiện nay, giáo viên được giao quyền linh hoạt trong dạy học làm sao đảm bảo mục tiêu cần đạt cuối kỳ, cuối năm. Trong bối cảnh không còn dịch bệnh, học sinh được làm quen bảng chữ cái, các con số đơn giản ở bậc mầm non nên lên lớp 1 thuận lợi hơn. “Phụ huynh không cần và không nên cho con học thêm, luyện chữ trước khi vào lớp 1 bởi vì trong chương trình năm học sẽ đáp ứng các nội dung đó”, vị hiệu trưởng nói.