Hàng loạt kiến nghị gửi lên UBND TP HCM

05/04/2022 21:02

(NLĐO) - Trong rất nhiều kiến nghị mà Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề đạt lên lãnh đạo TP HCM, có mong muốn được chi bù 1.400 tỉ đồng đã tạm ứng chống dịch trước đó

Chiều 5-4, UBND TP HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ dự hội nghị.

Hàng loạt kiến nghị gửi lên UBND TP HCM - Ảnh 1.

UBND TP HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý 2 Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM

Tại hội nghị, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết trong thời gian qua, TP Thủ Đức cùng một số địa phương đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương, nguồn dự phòng để chi phòng, chống dịch. Cụ thể, TP Thủ Đức đã tạm ứng 1.400 tỉ đồng.

Năm 2022, TP Thủ Đức còn nhiều nguồn chi quan trọng nhưng tình hình ngân sách hiện không đảm bảo. Do đó, địa phương mong TP HCM và Sở Tài chính sớm bố trí bổ sung phần ngân sách này cho TP Thủ Đức.

Ngoài ra, ông Hoàng Tùng cũng đề nghị UBND TP HCM sớm ban hành quyết định về phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức theo Nghị quyết 08 mà Thành ủy TP HCM đã ban hành.

Nghị quyết này được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành từ cuối năm 2021, nội dung là về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, TP HCM phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức trên nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân sách, đầu tư, đất đai, môi trường, quản lý đô thị, đối ngoại… Tuy nhiên, đến nay, UBND TP HCM chưa ban hành quyết định cụ thể hóa nghị quyết này.

Song song đó, TP Thủ Đức đề nghị các sở, ngành cần sớm tham mưu nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức để sớm trình Chính phủ, Quốc hội.

Một đề xuất khác của TP Thủ Đức là TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. "Công tác giải phóng mặt bằng hiện đang tắc nghẽn, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các dự án đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông" - ông Hoàng Tùng cho hay.

TP Thủ Đức cũng đề nghị TP HCM sớm bố trí vốn để triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh tại TP Thủ Đức. Ông Hoàng Tùng kiến nghị đưa nội dung này vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP HCM vì hiện TP Thủ Đức không còn nguồn lực để bố trí vốn cho dự án.

Được biết, trong quý I, tổng thu ngân sách Nhà nước tại TP Thủ Đức là 8.313 tỉ đồng, chiếm 38,6% tổng dự toán được giao (21.542 tỉ đồng). Năm 2022, TP Thủ Đức phấn đấu vượt thu ngân sách.

Trong quý II, TP Thủ Đức tập trung vào công tác cải cách hành chính, dự kiến trong năm 2022, tất cả dịch vụ tại TP Thủ Đức sẽ được triển khai dịch vụ công cấp độ 4. Các dự án đang được TP Thủ Đức tập trung thực hiện là: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP HCM, Khu Đại học Quốc gia TPHCM, phát triển nhà ở xã hội…

TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 31-12-2020 dựa trên sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức.

TP Thủ Đức là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trên cả nước. Tuy nhiên, hiện địa phương này chỉ có hành lang pháp lý tương đương cấp huyện. Hiện TP HCM đang xây dựng đề án về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để đề xuất Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Nhiều nguồn lực chưa được khai thác tốt

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết thành phố hiện vẫn còn nhiều dự án, khu đất đã có quyết định giao đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoặc có những địa chỉ nhà đất đã giao sử dụng nhưng chưa ký kết hợp đồng thuê đất.

"Đó là nguồn lực hiện hữu trong tay chưa khai thác được hết" - bà Hà nói và cho rằng cần tập trung tháo gỡ các lĩnh vực này để có nguồn thu ngay trong năm nay.

Giám đốc Sở Tài chính cho hay Thành ủy và UBND TP HCM đã yêu cầu tập trung kiểm kê nhà đất công, nhiều phương án sắp xếp được triển khai. Sắp tới, Sở Tài chính phối hợp với Sở TN-MT, Sở Xây dựng đẩy mạnh các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, phát huy nguồn lực và tài sản nhà đất công. "Đối với các địa chỉ đã có phương án bán đấu giá thì các đơn vị tập trung thực hiện" - bà Hà nói.

Trước đó, theo tính toán của Cục Thống kê TP HCM, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý 1 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46% của quý 1/2021.

Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay, kinh tế TP HCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, sau thời gian "dịch bệnh chưa có tiền lệ" đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế khá tốt.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt kiến nghị gửi lên UBND TP HCM" tại chuyên mục TIN TỨC.