Hà Nội: Nâng cao sự hài lòng của người dân về thủ tục hành chính

01/07/2022 13:07

Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh kiến nghị liên quan đến TTHC tăng ít nhất 3-5% so với năm 2021.

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 181-KH/UBND (ngày 29/6/2022) về khắc phục, cải thiện nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Mục đích của kế hoạch này là tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức. Đồng thời, cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng về tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý phản ánh, kiến nghị tăng ở cả 4 chỉ tiêu thành phần, nâng tổng số điểm tỉ lệ chung đạt trên 85 điểm; cải thiện, nâng cao 3/4 chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, điểm số thấp.

Phấn đấu tỉ lệ hài lòng về tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý phản ánh, kiến nghị tăng cao, góp phần vào tỉ lệ hài lòng chung về sự phục vụ hành chính của thành phố năm 2022 tăng hạng cao so với năm 2021, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức có sự cải thiện cả về tỉ lệ hài lòng chung và thứ bậc.

UBND Tp.Hà Nội yêu cầu việc thực hiện kế hoạch phải đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các nội dung, tiêu chí trong Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố và các kế hoạch, chương trình cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố.

Đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung nhiệm vụ trong công tác cải cách TTHC, việc thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, TTHC...

Bên cạnh đó, xác định cụ thể nội dung, công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai, thực hiện, nhằm đạt mục đích đề ra.

Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính tăng ít nhất 3-5% so với năm 2021 (năm 2021 là 79,73%).

Về nhiệm vụ và giải pháp, trong tháng 10/2022, Tp.Hà Nội sẽ ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Bên cạnh đó, các đơn vị của thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị liên quan đến quy định hành chính, TTHC và công khai kết quả xử lý phản ánh kiến nghị theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ.

Để nâng cao tỉ lệ hài lòng về tiêu chí “Cơ quan có bố trí hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị”, Văn phòng UBND thành phố sẽ xây dựng và hướng dẫn mô hình chung về hình thức, địa điểm, cách thức tiếp nhận các góp ý, phản ánh, kiến nghị tại Bộ phận Một cửa các đơn vị nhằm hình thành một khung chung thống nhất trên toàn địa bàn thành phố.

Các đơn vị thuộc thành phố đa dạng các hình thức tiếp nhận, xử lý các góp ý phản ánh, kiến nghị về TTHC phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị. Lựa chọn, phân công cán bộ, công chức, viên chức có trình độ và kỹ năng giao tiếp đảm bảo việc sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp, hướng dẫn những vấn đề mà người dân, tổ chức còn vướng mắc.

Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao tỉ lệ hài lòng về tiêu chí “Dễ dàng thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị”, tiêu chí “Cơ quan tiếp nhận và xử lý tích cực các góp ý, phản ánh, kiến nghị”, tiêu chí “Cơ quan có thông báo kịp thời kết quả xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị”…

Sở Nội vụ xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố về kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng xử lý tình huống đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân.

UBND Thành phố Hà Nội giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động triển khai, đề ra các biện pháp, giải pháp, phân công trách nhiệm và nhiệm vụ với nguyên tắc “rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ thời gian - rõ hiệu quả” cho các phòng, ban, đơn vị và cho từng cán bộ, công chức, viên chức gắn với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quyết liệt để triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính hàng năm theo Kế hoạch này và chỉ đạo của UBND thành phố.

Theo UBND thành phố, Hà Nội là đô thị lớn của cả nước với hơn 8,5 triệu người dân, hơn 335.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Vì vậy, nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày cho người dân, doanh nghiệp là rất lớn; các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính cũng được phản ánh, kiến nghị, góp ý lớn và tăng qua các năm (năm 2020 là 311 phản ánh, kiến nghị; năm 2021 là 1.795 phản ánh, kiến nghị và 6 tháng đầu năm 2022 là 619 phản ánh, kiến nghị).

Minh Hoa (t/h theo Hà Nội mới, Kinh tế đô thị)