Hà Nội lên phương án "cấm" xe máy trên địa bàn các quận

14/06/2023 16:05

Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Quyết định số 3195/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội”.

Theo đánh giá của UBND Thành phố, giai đoạn 2016-2020, kinh tế khu vực đô thị ở Hà Nội phát triển nhanh, tạo được vai trò động lực đối với phát triển kinh tế của toàn Thành phố. Sự phát triển của các ngành kinh tế trong khu vực đô thị phù hợp với đặc trưng của kinh tế đô thị, đặc biệt là những nét đặc thù của Thủ đô so với các địa phương khác.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đô thị chưa thực sự bền vững, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều qua các năm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều quận còn thấp hơn ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị còn chậm.

Các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ... phát triển còn mang tính tự phát, còn nhiều bất cập hạn chế, việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao như: chất lượng kinh tế đêm vẫn còn thấp.

Một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người của Hà Nội ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đô thị; hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị. Hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Việc phát triển đô thị và đô thị hóa thời gian qua chưa thể hiện rõ bản sắc của từng địa phương chưa đạt kết quả cao về cấu trúc chùm đô thị; chưa phát huy tối đa các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế đô thị như tiềm năng, lợi thế về quy mô kinh tế, vị trí địa lý, văn hóa - xã hội đặc sắc.

Ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, nhất là tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép.

Hoạt động giao thông của hai loại phương tiện ô tô và xe máy cũng chiếm 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Các giải pháp đề ra để giảm thiểu ô nhiễm cũng được UBND Thành phố đề ra.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, triển khai Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Thực hiện đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào trong thời gian 2023-2025.

Các huyện định hướng phát triển thành quận, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới công nghệ các hoạt động sản xuất làng nghề theo hướng công nghệ sạch, xanh, hiện đại hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, không gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện mô hình tăng trưởng xanh các làng nghề.

Để phát triển các ngành kinh tế đô thị, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ cụ thể phát triển các mô hình kinh tế mới.

Cụ thể, UBND Thành phố giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế chia sẻ và kiểm soát rủi ro. Thực hiện cơ chế khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.

Để phát triển kinh tế đêm, UBND Thành phố giao Sở KH&CN báo cáo, tham mưu UBND Thành phố việc ban hành Đồ án phát triển kinh tế đêm, trong đó làm rõ nhiệm vụ, giải pháp về: Nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro khi phát triển kinh tế đêm; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế đêm và kiểm soát rủi ro; Các giải pháp quản lý Nhà nước (về bộ máy và tổ chức triển khai) đối với kinh tế đêm.

Các mô hình kinh tế đêm cụ thể tại các địa phương đảm bảo phù hợp với đặc điểm yêu cầu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có tính khả thi; Phát triển các loại hình dịch vụ kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí... đòi hỏi tính sáng tạo dựa trên nguồn văn hóa truyền thống sẵn có, khả năng tổ chức và triển khai của từng địa bàn.

UBND Thành phố giao Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu phát triển kinh tế số; Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ số của các doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ,... các sở, ngành xây dựng đề án chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế trong một số lĩnh vực: công nghiệp văn hóa, tài chính - ngân hàng; thương mại; du lịch; logistics; an toàn, an ninh mạng; thông tin truyền thông...

Sở Kế hoạch và Đầu tư tích hợp các nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp phù hợp để huy động các nguồn lực, triển khai, tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn; các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí kinh tế tuần hoàn,... Giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất, tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố nói chung và khu vực đô thị nói riêng.

UBND Thành phố cũng giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở ngành nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các mô hình kinh tế mới trên địa bàn thành phố như: kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè...

Tuệ Minh