Hà Nội hiện có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, phân bố ở địa bàn nào?

08/12/2021 08:11

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay, đến sáng nay, sơ bộ đã có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, chủ yếu nằm ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, trao đổi bên lề kỳ họp HĐND TP vào sáng 7/12, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện thành phố đã triển khai phần mềm kết nối đến các trạm y tế lưu động, tổng đài 1022 của thành phố, hệ thống nhắn tin tự động đề nghị người dân khai báo thông tin sức khoẻ của mình 2 lần/ngày.

"Ví dụ 9h nhắn tin một lần, bạn cần khai báo thông tin sức khoẻ. Đến 15h lại nhắn thêm một lần nữa. Nếu thông tin bình thường thì không sao, nhưng nếu có triệu chứng Covid-19 như khó thở, tăng ho... thì sẽ có nhân viên y tế đến thăm khám và phát thuốc", bà Hà nêu.

Theo bà Hà, ngoài lực lượng y tế, Hà Nội cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà. Đây chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội phụ nữ, y tế học đường… để giảm tải áp lực cho ngành y tế.

"Khi điều trị F0 tại nhà, quan trọng nhất là người nào cũng phải được chăm sóc sức khoẻ.

Vì thế phải có lực lượng hỗ trợ. Nếu dồn tất cả vào lực lượng y tế thì sẽ quá tải và người dân, người bệnh không được chăm sóc", bà Hà nói, đồng thời nhấn mạnh, yếu tố quan trọng là việc khai báo sức khoẻ của người dân thông qua tổng đài và hệ thống mà thành phố đã cung cấp.

Người đứng đầu Sở Y tế Hà Nội cho hay, đến sáng nay, đã có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, chủ yếu nằm ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông.

Cùng với đó, 16 quận, huyện đã triển khai thu dung, điều trị F0 tại các trạm y tế lưu động, 14 quận huyện còn lại đang hoàn thiện để triển khai ngay. Cùng với đó 4 quận nội đô cũng sẽ thực hiện cách ly, điều trị F1, F0 thể nhẹ tại các trạm y tế lưu động, tại nhà ngay trong tuần này.

"Trước mắt, do số lượng F0 điều trị tại nhà chưa nhiều nên chưa có vấn đề bất cập. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, người dân được lựa chọn điều trị tại nhà nếu triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng.

Khi có nhiều lên thì điều quan trọng nhất là người bệnh phải được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, đồng thời phát hiện triệu chứng chuyển tầng điều trị sớm nhất để đưa lên tuyến trên", bà Hà nói.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội vừa hỏa tốc ban hành Công văn về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương thiết lập khu điều trị Covid-19 trong bệnh viện, triển khai giường điều trị người bệnh Covid-19 được giao theo quyết định của UBND TP Hà Nội.

Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Đồng thời, nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện sớm ca bệnh Covid-19, xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú, người nhà người bệnh, đặc biệt ở các khoa hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Thực hiện khai thác, khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng, chuyển tuyến người bệnh theo hướng dẫn về việc phân luồng, tiếp nhận người bệnh Covid-19...

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các TTYT quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn tại được UBND TPban hành về phương án thu dung điều trị "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn, áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà.


Theo Hoàng Đan

Doanh nghiệp và tiếp thị